Bánh Gio Bắc Kạn
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương, hoặc với một cái tên dân dã đó chính là " tết diệt sâu bọ". Được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 m lịch hằng năm
Bánh gio( tro) là món truyền thống ở Miền Bắc vào dịp tết Đoan Ngọ, còn được gọi với nhiều tên khác nhau như bánh nẳng, bánh coóc mò,... Ngoài ra nó còn là loại bánh đặc trưng trong ẩm thực người Tày, Nùng ở Bắc Kạn. Thức quà dân dã mang trong mình hương vị mộc mạc thanh tao, ăn một lần mà mãi vấn vương. Ở Miền Nam gọi là bánh ú nước tro. Tùy theo vùng miền sẽ có nhiều biến thể và được gói dưới nhiều hình thức khác nhau. Bánh có vị ngai ngái nồng nồng của nước gio, thanh mát, màu hổ phách ánh lên, trong suốt chấm cùng mật mía ngọt ngào, thơm nức, giản dị mà khiến người ăn nhớ mãi. Dịp này, mỗi gia đình đều mua hoặc chế biến bánh này để cúng gia tiên và sử dụng trong các bữa ăn.
Nguyên liệu để làm bánh gio rất đơn giản, gồm gạo nếp và nước gio( đốt từ các loại cây dược liệu như ngải cứu, vỏ cây núc nác, vỏ bưởi, cành vải hoặc nhãn...), gói trong lá chít rồi đem luộc chín.
Cách làm bánh gio( công thức mọi người gia giảm theo số lượng bánh mình muốn gói nhé)
Nguyên liệu
2kg gạo nếp cái hoa vàng( được khoảng 80 bánh)
2 lít nước gio
180ml nước vôi trong
Lạt mềm để buộc bánh( mình thường dùng lạt giang)
Lá chít ( có thể dùng lá chuối, lá dong, lá tre...)
Mật mía
Bước 1 Làm nước gio
Nước gio là phần vô cùng quan trọng, quyết định đến thành công của món bánh tro. Nếu không có nước gio thì bánh sẽ chỉ giống bánh chưng thôi nhé
Đốt các loại lá thảo dược như đã nói ở trên thành gio, sau đó hòa với nước, để lắng qua đêm rồi gạn lấy phần nước trong, nên đổ nước này qua khăn lọc để loại bỏ toàn bộ các cặn bẩn còn sót lại. 1kg gio hòa khoảng 5-6 lít nước, mọi người có thể điều chỉnh thay thế vì mỗi loại cây cho hương vị và độ mát khác nhau
Nước vôi trong mọi người hòa khoảng 10gr vôi bột với 1 lít nước, để qua đêm và gạn lấy nước trong nhé
Bước 2 Ngâm gạo
cho phần gạo nếp đã chuẩn bị đi vo thật sạch, sau đó cho vào nước gio và nước vôi trong đã thu được ở bước 1 để ngâm, thời gian ngâm khoảng 6 tiếng. Để biết gạo đã đạt hay chưa, bạn dùng tay miết nhẹ, nếu thấy gạo vỡ và bở ra là được.
Sau khi ngâm gạo đủ thời gian, vớt gạo ra, xả sạch lại với nước lạnh và để ráo
Bước 3 gói bánh
Lá chít sau khi hái về, đem rửa sạch, để ráo rồi gói. Mình thường gói lá tươi để bánh được thơm mùi lá hơn.
Chú ý lượng gạo vừa đủ, nếu quá nhiều gạo và gói bánh chặt tay thì sau khi bánh chín sẽ cứng
Bước 5 Luộc bánh
Đun 1 nồi nước sôi, sau khi sôi xả bớt ra khoảng 23 lượng nước trong nồi, cho bánh vào rồi đổ lại nước vừa xả ra lên mặt bánh. Mục đích để bánh không bị nổi trên mặt. Sau đó sẽ đun tiếp khoảng 4-5 tiếng. Kiểm tra thường xuyên, nếu thấy nước không ngập bánh thì cho thêm nước để bánh không bị khô và lại gạo. Bánh đã luộc đủ thời gian thì vớt bánh ra, xả lại với nước lạnh và để ráo
Bánh tro nấu đạt yêu cầu khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà trở thành khối bột trong, mịn, núng nính, có màu nâu vàng óng ả, lấp lánh như hổ phách và chắc như một khối ngọc
Bánh gio thường được ăn cùng mật mía, mật đường hoặc đường cát. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm dẻo của nếp hòa quyện cùng mật mía ngọt ngào. chầm chậm thưởng thức, ta mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị đồng quê thanh tao gói gọn trong chiếc bánh dân dã này.
Mời đại gia đình yêu bếp thưởng thức món bánh gio mật mía Bắc Kạn quê mình nhé
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây