Tết: Từ Sợ Tết Đến Thèm Tết
NỖI SỢ TẾT VÀ THÈM TẾT
Vốn dĩ tôi không thích Tết và bất cứ dịp kỉ niệm, lễ lạt nào trong năm. Tôi cho rằng những dịp đặc biệt đấy vốn do con người tạo ra hoặc nhằm mục đích thương mại như Giáng sinh vốn không thuộc về số đông người Việt nhưng chúng ta vẫn trang trí, ăn mừng rất tưng bừng, hoặc để che đi những ngày bình thường quá đỗi thông thường. Nếu mỗi ngày chúng ta đều sống thật ý nghĩa, thật đặc biệt thì chẳng cần một dịp lễ tết, ngày trọng đại nào cả.
Ngày Tết ở Việt Nam thông thường là dịp sum họp trong gia đình. Hồi tôi còn nhỏ, mọi người trong gia đình tôi chẳng mấy ai đi đâu xa nhà, nên Tết cũng không phải ngóng đợi người thân về ăn Tết. Tôi lại càng không thích Tết với tục lệ các nhà cứ kéo nhau cả đoàn đi hết nhà nọ đến nhà kia để chúc Tết, để nói những câu sáo rỗng, năm nào cũng giống năm nào. Những lời chúc ai cũng biết tỏng là chẳng thể nào thành hiện thực mà vẫn cứ nói ra trơn tru.
Trước kia tôi cũng không thích đi ăn cỗ. Cỗ toàn làm sẵn, bày la liệt theo mâm, chỗ ngồi đặt sẵn tính theo đầu người. Món ăn nếu được che không bị ruồi bậu thì cũng nguội lạnh hết cả, chẳng còn ngon mấy. Chưa kể trẻ con còn bị ngồi mâm …trẻ con, không mấy món vừa miệng. Ấy vậy mà sau này sống ở nước ngoài nhiều năm, mỗi lần về Việt Nam lại toàn vào dịp trong nhà không có cỗ bàn gì, lại đâm ra thèm được ăn cỗ. Thực ra không phải chỉ thèm ăn món cỗ, mà thèm cái không khí sum vầy, đông vui khi gia đình, họ hàng xung quanh mình. Và nhớ hình ảnh cả bà nội lẫn bà ngoại cứ đứng mãi ở đầu ngõ, vẫy tay theo chúng tôi tận đến khi xe đạp của bố mẹ khuất hẳn sau rặng cây duối.
Bà nội tôi mất đã rất lâu rồi, chắc cũng khoảng ba mươi năm, còn bà ngoại thì hơn chục năm. Nhưng những món ăn mà các bà làm cho chị em tôi hồi nhỏ thì đến giờ vẫn không quên được mùi vị thơ ấu ấm áp ấy. Bà nội có món cơm nắm siêu ngon, mịn và chặt như giò lụa. Biết trước chiều cháu sẽ về, bà nấu cơm gạo thơm từ sáng, dùng một chiếc khăn mặt sạch chỉ dành riêng để nắm cơm, cuốn thật chặt, để nắm cơm nguội tự nhiên sẽ cuộn chắc lại. Chiều về bà thì thầm gọi vào trong buồng để gạo, cắt ra từng khoanh cho tôi chấm với muối vừng hoặc có hôm chấm với mật mía, với đường phèn. Chẳng cần cỗ Tết, cơm nắm của bà nội là tuyệt nhất!
Nhà bà ngoại ở vùng giáp biển, đất chiêm trũng rất sẵn tôm cá. Bà ngoại có món cá kho thập cẩm đủ cả tôm tép cá bống, cá rô, cá diếc,… Bà lót khế chua thái lát, quả chay chín dưới đáy nồi đất, cho tôm tép cá vụn lên trên xóc mắm muối bỏ chút đường đun chảy mà quê vẫn gọi là kẹo đắng, đốt rơm đun sôi thố cá kho thì đậy chặt vung và vùi thố cá xuống tro rơm nóng suốt lúc nấu cơm trưa. Chiều chiều tro nguội, lấy thố cá ra gạt tro thổi sạch bụi rồi cho lên cái chạn treo để tránh nhòm ngó của đám mèo, lũ chuột. Bữa tối hoan hỉ dỡ cá khỏi nồi, cá tôm kho kĩ vùi tro để nguội thớ thịt rắn lại, ngấm mắm muối gia vị, nước cá quyện với vị chua ngọt của khế của chay được chắt ra chấm rau luộc. Cơm trắng dẻo thơm ăn với cá vụn kho nhừ, đến xương cũng mềm rục ra. Tôi tưởng như có thể nhai nuốt luôn được cả cái thố đất cũng ngấm gia vị kho cá đậm đà ấy của bà ngoại.
Những ngày xưa thơ bé ấy không còn nữa. Cũng nhiều năm qua tôi chưa một lần về ăn Tết ở Việt Nam. Có lẽ chúng tôi đợi đến lúc già hẳn, về hưu thì sẽ ở Việt Nam ăn Tết dài dài, hưởng trọn sự ấm cúng của gia đình. Biết đâu lúc ấy lại dẫn đầu một đoàn đi chúc Tết các nhà hàng xóm và nói những câu chúc thật lòng.
Người Việt ở nước ngoài phần lớn đều muốn về nước vào dịp Tết nhưng không phải ai cũng có điều kiện để về. Ở nhiều nơi tại châu Âu các cộng đồng tổ chức một buổi gặp mặt mừng Tết cùng nhau. Có năm tôi cũng tham gia tình nguyện tổ chức những phiên chợ Tết, các buổi biểu diễn văn nghệ để người Việt cùng vui chung niềm vui đón năm mới với người Đức. Chúng tôi cố gắng mang đến những nét đặc trưng nhất của Việt Nam khi trang trí hội trường trong điều kiện rất hạn chế ở châu Âu. Chị em cùng các cháu làm hoa giấy, sưu tầm câu đối, lời chúc hay để in ra giấy treo trên lọ hoa xuân; may váy áo biểu diễn và chuẩn bị các tiết mục múa hát đàn dân tộc, náo nức trước cả mấy tháng liền. Như thế cũng bớt nhớ nhà hơn mỗi dịp cuối năm. Ở nơi xa xôi, nỗi “sợ Tết” thuở nhỏ không còn nữa, giờ lại hoá thành nỗi “thèm Tết” da diết.
#Ươmmầmvuimới
#TếtSốngXanh
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây