#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#Gửitimthươngmến
CÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ

Bố Năng thân yêu!
Con nhớ mẹ kể, ngày xưa bố hay viết thư tay cho mẹ, từ thời mới thương thương, dù nhà ông ngoại và nhà ông nội có từ giữa làng đến cuối làng, cách một con đường bóng tre vời vợi.
Rồi đến những ngày bố mẹ về chung một nhà, đã có mấy mặt con, bố phải đi làm xa thật xa, những cánh thư tay vẫn bay về đều đặn.
Mẹ có một chiếc túi da cũ để riêng trong góc tủ, cất giữ những tấm thư tay đã ố vàng. Lúc nào cũng là: …. Ngày…. Tháng… Năm, Gửi em và con xa nhớ!.... Đôi khi tếu tếu là “Anh gửi em đôi dòng nước mắm – Để em mua đĩa lòng em nhắm cho ngon.”
Chữ bố rất đẹp, nét tròn vành, bay bổng và mơ mộng!
Ai cũng bảo con giống bố nhất, từ nét dáng đến tính mê văn chương. “Con gái giống cha, giàu ba mươi đụn”. Không biết đụn vàng hay đụn bạc, nhưng con rất tự hào.
Để đến khi con đi học, đã biết chữ, thời đấy sách báo hiếm, nào có như bây giờ, con hay lục cả những tấm thư ấy ra đọc, khúc khích cười khi thấy bố Năng sao mà sến sẩm. Đến giờ con mới biết, những tấm thư ấy là một trời kỷ niệm, đi qua hết những thăng trầm cuộc đời bố mẹ.
Có những biến cố mà con suýt mất bố…
Hồi ấy con còn thật nhỏ, những năm 95-96 đó, mẹ mới sinh thêm em Phương, bố mẹ quyết định hùn vốn làm ăn để gia đình khấm khá hơn một chút. Bố mẹ hùn với người ta vay nợ mua chiếc công nông nhỏ chở vật liệu. Bố với chú ấy thay nhau chạy xe, mẹ bảo thời đấy cứ tưởng trời thương sẽ dần khá hơn. Ai dè, biến cố ập đến quá bất ngờ. Chú chung xe với nhà mình chạy xe gây tan nạn, làm chết người. Trời ơi một mạng người lớn lắm. Mẹ kể, ngày ấy bố mẹ cũng là chủ xe, nên phải xuống lạy van nhà người ta, người mất con cũng khóc, bố mẹ cũng khóc, đau lắm con ơi.
Chiếc xe công nông bị giữ, thế là bán hết tài sản đền bù, bố suy sụp, bố cả nghĩ, ngày ấy con còn thực nhỏ, em Phương còn đỏ hỏn trên tay mẹ. Những mảng ký ức con nhớ được chỉ vụn vặn nhưng loang loáng kinh hoàng và ám ảnh.
Tiếng gào khóc thất thanh của mẹ giữa đêm, mẹ ôm bố nằm bất động, máu, rất nhiều máu, thấm đẫm chiếc giường cá nhân của bố, chiếc màn rách tơi tả, con ngồi thõng chân ở cuối giường, còn ngái ngủ và ngơ ngác. Em Phương khóc ngằn ngặt giữa những tiếng hô hoán của làng xóm đưa bố đi cấp cứu.
May mà bố trở về, với vết sẹo hình con rết dài cả tấc bên ngực trái. Nhưng mà có bố trở về với chúng con rồi. Ngày ấy mẹ thật mạnh mẽ, người phụ nữ mới hai mấy tuổi đầu, còn ít hơn tuổi con bây giờ, vậy mà gồng gánh chồng con vượt qua tất thảy. Vừa chăm chồng trên viện, vừa chăm con nhỏ, vừa chạy vạy xoay tiền đền bù tai nạn, vừa khất nợ mua xe còn chưa trả hết… Mẹ là siêu anh hùng đấy bố nhỉ!...
Bố về, thương vợ thương con, lại cần mẫn làm ăn, nhà mình đi lên từ con số 0, rồi cũng ổn ha bố. Rồi nhà mình có thêm em Trang, em Duyên, nhà mình lại có tiếng cười.
Ký ức khủng khiếp ấy con từng nghĩ rằng sẽ đào sâu chôn chặt không bao giờ nhớ lại, nhưng giờ đây khi viết những dòng này, con lại ngộ ra rằng, trải qua những biến cố mới khiến mình trân trọng những hạnh phúc giản đơn ngày hôm nay. Gia đình mình có mẹ có cha, có các em, có nơi để chúng con thương nhớ.
Bố Năng gói bánh chưng rất vuông, rất đẹp. Tết nào có bố ở nhà, nhà mình cũng gói bánh chưng. Và 4 đứa thể nào cũng xí phần 4 cái bánh cóc, vét đỗ thừa.
Bố Năng đi xuất khẩu lao động những năm con học đại học, con là đứa đi lãnh lương của bố ở đường Hoàng Đạo Thúy ấy rồi ôm tiền lóc cóc ra bến xe khách, mang niềm vui về cho mẹ.
Những ngày loạn lạc ở Libi, Li Băng, mấy mẹ con cầu trời khấn phật từng ngày, mong bố về bình an. Bố về, trong balo chỉ có phong bánh quy cứu trợ làm quà cho con gái.
Con vẫn nhớ những ngày ông nội ốm nặng, nửa đêm dậy vẫn thấy bố ngồi ở cuối giường trông ông, mái tóc muối tiêu cúi xuống ngủ thiếp đi, thấy thương lắm. Bố nâng giấc, bố cắt tóc tỉa râu cho ông, chăm ông những ngày cuối đời. Rồi ông nội về trời, bố Năng đã làm tròn đạo hiếu của người con trai cả.
Mai này, bố Năng già, tóc bố bạc, bố lại có con gái, con rể, có cháu ngoại, để bố chắt chiu cho chúng đồng quà như ông nội đã cho con, bố Năng nhỉ?
Con viết những dòng này khi đã 3 năm chưa được về thăm bố mẹ. Nghe báo đài báo tin Covid, bố mẹ âu lo, ngày nào cũng nhắn mấy đứa giữ gìn sức khỏe. Tụi con lại chỉ mong bố mẹ mạnh khỏe và bình an để gia đình mình tròn đầy.
Mượn lời cô Nguyễn Ngọc Tư để kết lại câu chuyện về bố Năng của con:
"Lâu rồi không về ngồi nơi thềm nhà
Để nhìn ba má già
...
Để thương..." - Thềm vắng | Nguyễn Ngọc Tư
Cuộc sống không có nếu mà, con học cách bình lặng nghĩ về những điều đã qua. Đâu đó, gia đình phía sau luôn là bài học, là điểm tựa, là nơi thềm nhà bình yên sẽ đón mình về. Trước mỗi cơn mưa lớn của cuộc đời, con đều tự nhủ gia đình mình từng vượt qua những mù mịt hơn thế, mình làm được.
Những vấp ngã làm con người ta đau khổ nhưng cũng làm con người ta mạnh mẽ hơn, trân trọng hiện tại hơn. Con vẫn luôn tự hào về bố, bố Năng thân yêu ạ!...
#Hạnhphúclà
#Thửtháchmùahè
#YêuBếp
#EsheepKitchen

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,

#GửitimthươngmếnCÓ NHỮNG BIẾN CỐ MÀ CON SUÝT MẤT BỐ Bố Năng thân yêu!Con nhớ mẹ kể,