Lễ Cúng Đầy Tháng Cho Bé Một Người Bạn Inbox Hỏi Tôi Lễ Cúng Đầy Tháng Ch

Lễ cúng đầy tháng cho bé

Một người bạn inbox hỏi tôi lễ cúng đầy tháng cho cháu. Bạn kể đã lên Gôgle đã gõ nhiều mẫu cúng đầy tháng mừng con cháu ra đời mỗi nơi mỗi khác, rối, thay vậy hỏi bạn...có kinh nghiệm hơn chăng!?
Tôi cũng theo người lên mạng google, hay theo lời cha mẹ xưa bày nay bắt chước. Chỉ biết cúng đầy tháng là cúng bà Chúa thiên thai và mười hai bà mụ. Cúng là lễ tạ mừng các bà mụ đã bày dạy cháu từ ngày hoài thai, chả vậy mà các bà vẫn dạy cháu trong những ngày còn tháng cho đến thôi nôi từ nụ cười mĩm trong khi ngủ, tiếng khóc, chút giật mình cũng được bà, mẹ vừa ôm bé vừa “lạy mụ, mụ dạy”.
Lễ đầy tháng ngoài tạ mừng các bà mụ còn là lễ đặt tên, cái tên chính thức của bé mà sau này sẽ mang trong giấy khai sinh chứ không phải là thằng tí, cu tèo hay bé sâu bé sia nhà tôi chẳng hạn.
Lễ đầy tháng là một lễ mừng nên sanh bé ở đâu thì mừng ở đó, không phải nặng nề là phải đem về nhà nội kiểu quan niệm của ta, hơn nữa mẹ bé và bé mới tròn một tháng cũng chưa đủ cữ để phải đi đâu xa.
Trước tiên là theo ông bà dạy “gái sụt hai trai sụt một” ( sụt ~ tụt, xuống, lùi). Nghĩa là cúng đầy tháng cho cháu trai trước một ngày đủ tháng của cháu, cháu gái trước hai ngày đủ tháng của cháu. Ví dụ: cháu trai sinh ngày 22.2 âm lịch, cúng đầy tháng ngày 21.2 âm lịch; cháu gái sinh ngày 22.2 âm lịch, cúng đầy tháng ngày 20.2 âm lịch. Lịch cúng đầy tháng phải dùng lịch âm, không ai tính lịch dương.
Lễ cúng đơn giản, không mấy ai làm mâm cơm cúng. Chỉ là bánh trái chè xôi, con gà, tợ thịt, hoa, quả, trầu cau.
Thường lễ cúng có mười ba phần; một phần lớn và mười hai phần nhỏ, mười hai phần nhỏ đều là dành cho mười hai bà mụ.
Hoa: thì nên cúng hoa to, cũng mười ba bông;
Quả: chia làm hai mâm, một mâm lớn dành cho bàn trước, một mâm chia đủ 12 phần đề bàn sau;
Chè, xôi: Một đĩa xôi lớn để bàn trước , 12 đĩa xôi nhỏ bàn sau; chè cũng vậy, có thể vài chén ở bàn trên nhưng bàn sau phải đúng 12 chén.
Mười ba cái bánh tráng, hoặc một cái bánh tráng và cắt 12 phần bánh tráng nhỏ.
Gà cúng 1 con, để cúng bàn trước , xoay đầu gà hướng vào người gia chủ đang khấn lạy, đĩa gà nhớ bỏ mấy hạt muối trắng và con dao.
Trầu cau: một đĩa lớn cúng bàn trước, 12 đĩa sau tem trầu cánh phượng đặt đều nhau.
Các loại bánh trái cũng vậy, bàn trước thì một đĩa lớn còn bàn sau thì phải 12 phần bằng nhau.
Lễ vật cúng đầy tháng phải nhiều màu sắc, như là một dịp báo tin vui, và lễ cúng các bà mụ khéo tay hay làm nên các bà ngoại trẻ tha hồ trỗ tài khéo tay, xôi có thể 5 màu, 7 màu: màu đỏ xôi gấc, màu vàng của xôi vò, màu tím của xôi xéo khoai môn,...
Chè cũng có thể nhiều loại, bánh trái càng phong phú thì mâm cúng càng trịnh trọng đẹp mắt, kính cáo gia tiên hai họ nội ngoại, mừng gia đình có thêm một thành viên mới.
Đấy là lễ cúng, còn lại là phải có một nồi nước xông được nấu bằng các loại gai của cây lá. Nếu là cháu trai thì 7 loại gai, cháu gái thì 9 loại gai; gồm các loại cây như: cành cây chanh, cây bưởi, cây hoa hồng, cây tre, cây bồ quân, cây bông giấy, cây quýt,...( đó là tôi nói theo những cây có trong vườn nhà tôi, nếu được thì cây nào có gai cũng tốt, nhưng ít nhất phải có gai cây bưởi, cây chanh là loại có mùi tinh dầu thơm). Các loại gai đó cho vào một nồi vừa vừa nấu sôi cho thơm, trong khi người ông người bà cúng vái nồi nước thơm được để trước bàn cúng, dưới nền nhà. Ông nội có nhiệm vụ bồng đứa cháu đứng “làm phép” trước nồi nước xông, hơ hơ 7 vòng hay 9 vòng tuỳ cháu trai hay gái, vừa hơ vừa khấn cáo ông bà tổ tiên mừng con cháu ra đời nay được đặt tên..., cầu cho cháu được ăn ngoan chóng lớn, học hành giỏi giang, mở miệng ra lời hay ý đẹp,... Sau đó thì người mẹ của bé cũng áo quần chỉnh tề bước ra khấn lạy và bước qua bước lại trước nồi nước xông 9 bước hoặc 7 bước như vậy.
Lễ cúng chỉ vậy với mong ước con cháu sức khỏe dồi dào, vậy chớ lớp trẻ lắm khi cho là nhiêu khê, rắc rối, không muốn làm, và có khi còn xếp vào là...hủ tục. Như cái việc nồi nước xông và ông nội bồng cháu hơ lên trên cũng là một chuyện có khi ông muốn mà bà không muốn nên cũng sinh chuyện. Đã qua nhiều chiêm nghiệm tôi thấy đó là việc hay nên làm, đó chỉ là một hình thức làm phép mà ông bà xưa bày nay bắt chước, xét ra cũng chẳng có sai gì, mà nồi nước xông với các lá thơm cũng là một phương thuốc tốt, thông khí cho phụ nữ sau những ngày ở cữ trong phòng.

Lưu Bình