#MặtTrờiTrongTôi#YêubếpCHỊ TÔI“Tết này chưa chắc em về đượcEm gửi về đây một tấm

#MặtTrờiTrongTôi
#Yêubếp

CHỊ TÔI

“Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em, em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông…”
Đó là những dòng thơ tôi đã lẩm nhẩm trong đầu suốt cái Tết 2021 mà nhà thơ Nguyễn Bính như viết thay cho tôi vậy. Trước đó, tôi đã tính về Bắc đón Tết cùng gia đình chị, nhưng vì dịch Covid, dự định đó không thành. Vậy là thêm một cái Tết tôi xa chị.

Ai nhìn hai chị em tôi cũng bảo “Ngoài nhỏ con ra thì chẳng có nét nào giống nhau”. Chị em tôi cách nhau 7 tuổi, vậy nhưng trong tâm thức tôi từ nhỏ đến giờ, chị lúc nào cũng như hơn tôi nhiều tuổi lắm. Chị thường xuyên là chị tôi, nhưng có lúc như bạn tôi, thậm chí, suốt những tháng ngày tuổi nhỏ, chị đã làm thay cả công việc của người mẹ với tôi nữa.

Ký ức đưa tôi quay về năm 1992. Khi ấy, tôi ba tuổi.

Tôi đang ngủ thì giật mình choàng dậy vì tiếng sét đinh tai nhức óc. Tôi vùng dậy ôm chầm lấy chị. Sau một lúc định thần lại tôi mới nhìn ra trên tay chị là một tấm vải mưa màu trắng nhờ nhờ. À, mưa lớn nên nhà dột. Chị tỉnh dậy căng áo mưa, che cho tôi ngủ. Đó là căn nhà gia đình tôi mới dọn về sau khi bố mẹ “sạt nghiệp”. Bố tôi đành để vợ con ở lại quê nhà để đi xa tìm kiếm cơ hội mới. Anh trai tôi vì thế mà cũng nghỉ học sớm để vào Nam. Nhà chỉ còn lại ba mẹ con.

Năm 1993. Mẹ tôi đổ bệnh, phải nhập viện. Ngôi nhà chỉ còn lại hai chị em mà đứa lớn mới mười một tuổi. Dầu thắp đèn khi ấy quý lắm nhưng hai đứa vì sợ ma mà cứ thắp cả đêm. Mùa hè miền Bắc nóng đến ngốt người mà chúng tôi vẫn trùm chăn kín đầu. Cái bóng đèn dầu lập lòe in trên vách tường gạch lại càng trở nên đáng sợ…

Nửa đêm thì có cơn giông. Tôi lại giật mình thức giấc. Đèn dầu đã tắt phụt. Tôi quơ tay bốn góc giường cũng không thấy chị đâu. Trời nhanh chóng mưa nặng hạt và chớp ầm ầm. Nhưng mặc kệ, tôi vẫn chạy ào ra sân, rồi vòng ra cổng để tìm chị. Đập vào mắt tôi khi ấy là hình ảnh chị tôi lóp ngóp dưới ao, cả người chỉ còn thò lên cái đầu bé tý, đang hối hả vớt từng đám bèo đưa lên cho cậu tôi làm bờ chắn cho cá khỏi trôi đi. “Sao cậu là người lớn mà không lội xuống ao?” Tôi không hiểu vấn đề nên cứ ác cảm với cậu tôi khi ấy, có biết đâu là chị tôi bé quá, đâu thể nào biết cách be bờ. Thấy trời chuyển giông, lo cho ao cá nhà tôi nên cậu đã lật đật từ bên xã khác đạp xe qua đó chứ.

Rồi những ngày tháng quanh ra quẩn vào chỉ có hai chị em. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao khi ấy chị tôi có thể làm được nhiều việc như thế trong khoảng thời gian của một ngày. Sáng sớm, chị tôi dậy từ 4 giờ, mang lá chuối lên thị xã bán cho tiệm gói giò rồi đi mua đồ ăn sáng vào viện cho mẹ. Mấy chú bảo vệ ở bệnh viện thương chị tôi đến nỗi chẳng bao giờ thu tiền gửi xe, lại còn cho chị được vào bãi cỏ ở sân sau bệnh viện để cắt cỏ mang về cho cá. Vậy là sau khi mang đồ ăn cho mẹ, cô bé mười một tuổi ấy sẽ mang liềm ra quơ nguyên một bao cỏ nặng trịch chở về nhà. Cho cá ăn xong thì đi rang cơm cho em gái. Và đến lúc ấy tôi mới tỉnh ngủ, ăn cơm rồi leo lên xe để chị chở đến trường. Có những hôm chưa xong việc mà sợ tôi đi học muộn, chị dẫn tôi ra đầu đường, nhờ người làng cho tôi đi nhờ xe. Chị quay về lo cho xong mọi việc rồi mới tới trường.

Chiều tan học, chị lo cơm nước cho hai đứa xong xuôi thì chở tôi lên viện thăm mẹ. Bữa nào sung sướng lắm thì tòn ten lủng lẳng trên chiếc xe cà tàng ngoài hai đứa nhóc và một “bao cỏ bệnh viện” sẽ có thêm một túi đồ mà các bác, các cô chú nằm viện cùng mẹ cho hai đứa. Sau khi dỗ cho tôi ngủ, thường đã là muộn lắm, chị tôi lại một mình ra ngoài bãi sông cắt lá chuối, về bó gọn thành từng xấp để sáng mai mang bán cho các hàng giò, chả.

Ròng rã như vậy cho tới tận khi chị tôi mười lăm tuổi. Bốn sào ruộng khoán. Một ngôi nhà ọp ẹp quanh năm gió lùa. Một cái ao hai sào mà ngày nào lũ cá cũng ngốn hết hai bao cỏ to đùng. Một người mẹ nằm viện quanh năm suốt tháng và một đứa em chưa thể giúp được bất cứ việc gì.

Thế nhưng trong những tháng năm khốn khó ấy, tôi vẫn nhận được từ chị một tình yêu thương đong đầy. Mặc dù nhà rất nghèo, chị vẫn chưa bao giờ để tôi đi chân đất, mặc áo vá. Tóc tôi lúc nào cũng được chị buộc đuôi ngựa thật cao. Và sung sướng nhất là khi chị mua cho tôi những củ ấu khi chờ tôi tan học. Giá củ ấu luộc lúc ấy là 100 đồng 4 củ. Tới giờ tôi vẫn không thể nào quên cái vị ngọt bùi, béo ngậy, thơm nức của những củ ấu chị mua.

Ở quê tôi ngày ấy, chuyện con gái học xong lớp 9 nghỉ học rồi lấy chồng chẳng hiếm. Tôi đã nơm nớp lo sợ chuyện ấy xảy ra biết bao. Cuối cùng thì dù chị tôi không thể học tiếp vì nhà đã khánh kiệt nhưng cũng may mắn là chưa phải lấy chồng. Chị theo cô tôi vào Nam rồi đi làm công nhân. Cái tên Phạm Thị Phương Lan mà bố mẹ đặt cho đã lưu lại mãi mãi trên đống hồ sơ ở quê hương Thái Bình. Chị tôi làm lại giấy tờ để nhập hộ khẩu nhà cô, tự nhiên mất tên lót, chỉ vỏn vẹn còn lại là Phạm Thị Lan. Đi làm thì được bạn bè gọi tên là Nguyễn Thị Hường vì mượn hồ sơ người khác cho đủ tuổi.

Chị vốn đã thấp bé, thêm nhiều cơ cực lại càng còi cọc. Vậy nhưng bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, chị tôi đã trúng tuyển làm công nhân giày da trong một công ty khá có tiếng tại Đồng Nai lúc ấy. Để trúng tuyển, chị đã phải vượt qua biết bao đối thủ. Vậy là chị em tôi chỉ còn gặp nhau được trên những lá thư. Tôi nhớ mãi những lá thư thơm phức chị gửi về cho tôi khi ấy, bao giờ chị cũng nắn nót trên những tờ giấy viết thư đẹp lắm, chữ chị tôi lại rất đẹp nên tôi đọc mà như nuốt từng lời rồi thuộc lòng lúc nào chẳng biết. Tem thư, quần áo, vải vóc, bìa bọc sách vở… chị cũng liên tiếp gửi về khiến tôi chẳng thiếu thốn gì, thậm chí còn có phần “sành điệu” hơn bạn bè cùng trang lứa. Rồi đến cả cuốn tiểu thuyết đầu tiên, chiếc vòng tay đầu tiên, đôi bông tai vàng đầu tiên… tôi có cũng đều là quà của chị. Chu đáo với tôi đến vậy mà chị tôi vẫn còn dành được tiền hỗ trợ cho bố mẹ, mua được đất…

Năm tôi lên lớp 8 thì chị lấy chồng. Anh rể cũng là người Bắc. Chị tôi bỏ phương Nam ấm áp lên xứ Lạng làm dâu. Từ một người vốn chỉ đi làm công ty rồi về nhà, chị tôi tập tành buôn bán đủ thứ hàng cho người dân vùng cao.

Đó cũng là những ngày tôi bắt đầu vào đại học. Bố mẹ tôi đã chật vật lắm mới nuôi nổi tôi ăn học. Nhưng tôi biết, tôi sẽ chẳng thể nào tốt nghiệp đại học nếu không có sự hậu thuẫn nhiệt tình của chị. “Mua cái váy đẹp đẹp mặc nhé!”, “Ăn đồ ngon ngon cho xinh, đừng có mà tiết kiệm đấy”, “Tháng này đã có tiền mua sách chưa?”, “Em đi thực tập thì cần bao nhiêu tiền nhỉ?”, “À, chị mua thẻ điện thoại cho em này”… Cứ thế, cứ thế, bên những cuộc điện thoại triền miên không dứt là những lời dặn dò kiểu ấy của chị. Tôi đâu biết làm gì khác ngoài chuyện cố gắng học hành để bố mẹ và anh chị vui lòng?

Công việc cuốn chị tôi đi, nhanh đến nỗi sau khi kết hôn tận 7 năm, chị mới bàng hoàng giật mình đi kiểm tra sức khỏe sinh sản ở bệnh viện. Vậy là khi buôn bán bắt đầu có dư chút đỉnh thì chị lại bước vào con đường chinh chiến mới: Anh chị khó có con mà nguyên nhân lại là từ chị.

Tôi khóc nghẹn. Sao ông trời lại có thể bất công với chị tôi như vậy? Sau những buổi đi chùa ở khắp nơi cầu khấn, tôi quyết định sẽ đồng hành cùng chị trên con đường mới này.

Tôi ra trường, làm ở Hà Nội 2 năm rồi chuyển vào Sài Gòn. Thật ra, không nhiều người hiểu vì sao tôi lại quyết định đi xa gia đình đến vậy. (Đến tận giờ khi ai đó hỏi tôi nguyên nhân vì sao lại chuyển phắt vào Sài Gòn, tôi vẫn nói đùa “Do thất tình”). Nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tôi dứt khoát vào Nam là vì chị tôi chữa trị ngoài Bắc không hiệu quả. Khi ấy, chị tôi đã kết hôn được 13 năm rồi.

Vậy là tự nhiên sau rất nhiều năm xa cách, chị em tôi có một khoảng thời gian kha khá để ở bên nhau. Dù con đường “dạo phố” chính thì vẫn là từ bệnh viện về nhà trọ của tôi và tôi thì vẫn phải tít mù với công việc của mình. Thương nhất là những hôm hai chị em lỡ dậy muộn, chở chị được nửa đường thì phải quay về đi làm, chị bảo sau đó chị đi xe ôm nhưng tôi cũng không rõ là chị đi xe thật hay cuốc bộ nữa. Cứ rảnh lúc nào, hai chị em lại tranh thủ đi hóng gió, rồi lên chùa, đọc chú Đại Bi…

Cuối cùng thì thiên thần nhỏ xinh cũng đã đến với chúng tôi. Chị là người duy nhất có em bé trong cả đợt chuyển phôi ấy của bệnh viện Từ Dũ. Lúc chị báo kết quả, tôi đang ở chỗ làm mà phải trốn vào một góc khóc ngon lành.

Rồi những buổi tối hai chị em nằm liệt kê thực đơn sao cho vừa tốt cho bà bầu, vừa không bị lặp lại trong cả tuần. Tôi lùng cả Sài Gòn mới tìm được nơi bán cá chép, về gỡ hết xương, nấu cháo cho chị xong thì đứa bạn bảo “Ơ kìa, người ta nấu cháo cá chép là phải để cả con ấy”…

Tôi đi làm mà cứ sợ chị một mình ở phòng trọ buồn, để laptop cho chị xem phim hay nghe nhạc thì chị lại không biết sử dụng. Và ám ảnh nhất chính là mùi đồ ăn ở Sài Gòn. Phòng trọ nhỏ xíu và nóng bức, nằm trong một con hẻm toàn hàng quán bán đồ ăn. Chị chuyển phôi được mấy hôm thì nghén lên nghén xuống, nôn thốc nôn tháo khi ngửi những mùi đó. Chị ở với tôi ba tháng thì về Bắc dưỡng thai và sinh con.

Giờ thì “công chúa” nhà chúng tôi đã hơn bốn tuổi rồi. Những tháng ngày khốn khó nhất đã ở lại sau lưng nhưng chị tôi thì vẫn vậy, vẫn giữ cho mình thói quen tiết kiệm. Đến cả những chiếc điện thoại chị dùng cũng toàn là của tôi để lại. Chị tôi chưa bao giờ tự tay mua một chiếc điện thoại mới cho mình.

“Sao em nhớ nhiều thế, chị chẳng nhớ nhiều và dai dẳng như thế đâu. Hehe”. Lần nào kể lại chuyện ngày xưa chị cũng trách yêu tôi như vậy. Có lẽ chị tôi không nhớ thật vì một mảng ký ức mãi mãi đã nằm lại với những tháng ngày khốn khó tại quê nhà. Chị khi ấy còn chẳng có thời gian để ngủ, sao mà có thời gian để lưu giữ ký ức cơ chứ?

Tôi không rõ mỗi người quan niệm như nào về “mặt trời”. Đối với tôi thì ngoài việc “tỏa rạng”, “soi sáng”; thì nó còn là “duy nhất” và “vĩnh viễn” nữa. Và đó là những điều tôi không hề khuếch đại khi viết về người phụ nữ của lòng tôi – “Mặt Trời trong tôi” – Phạm Thị Lan. Cám ơn chị vì đã là chị của em.

Sài Gòn 27/3/2021.

#mySHEro #ThửTháchTháng3
#EsheepKitchen #Thếhệbìnhđẳng #IWD2021

#MặtTrờiTrongTôi#YêubếpCHỊ TÔI“Tết này chưa chắc em về đượcEm gửi về đây một tấm

#MặtTrờiTrongTôi#YêubếpCHỊ TÔI“Tết này chưa chắc em về đượcEm gửi về đây một tấm

#MặtTrờiTrongTôi#YêubếpCHỊ TÔI“Tết này chưa chắc em về đượcEm gửi về đây một tấm

#MặtTrờiTrongTôi#YêubếpCHỊ TÔI“Tết này chưa chắc em về đượcEm gửi về đây một tấm