TẾT ĐOAN NGỌ GIẾT SÂU BỌ LẠI NHỚ KHUẤT NGUYÊNSáng nay dậy sớm ra chợ. Khắp hai bên

TẾT ĐOAN NGỌ GIẾT SÂU BỌ LẠI NHỚ KHUẤT NGUYÊN

Sáng nay dậy sớm ra chợ. Khắp hai bên đường là hàng rượu nếp và bánh gio, mận, vải, xoài, dứa…người đi chợ tấp nập, tay xách nách mang. Tết Đoan Ngọ (Đoan Dương), Tết giết sâu bọ mà lại. Mình cũng làm một túi to vải, mận, rượu nếp, xoài, dứa về nhà thắp hương mời thổ công, thổ địa, mời tổ tiên hai họ về ăn Tết Đoan Ngọ rồi mới phi lên cơ quan.

Lại nhớ từ khi bé tý đến ngày này đã thấy bà nội, bà ngoại rồi mẹ mua rượu nếp , mận, đào, dứa…về cúng Tết Đoan ngọ nên đến khi lớn lên lập ra đình ra ở riêng mình cũng theo lệ, cứ mùng 5/5 là làm i như thế. Có những điều, những lễ tiết cứ làm mãi thành quen, truyền từ đời này sang đời khác không cần văn bản hành chính mà thực ra ít người để ý nó bắt nguồn từ đâu,có ý nghĩa gì.

Như tục tết giết sâu bọ này chẳng hạn. Có nhiều giai thoại nhưng giai thoại phổ biến nhất có lẽ gắn với điển tích về Khuất Nguyên vào cuối thời Chiến Quốc – Một nhân vật lỗi lạc thời cổ đại Trung Hoa cả về cuộc đời, nhân cách và nghệ thuật thơ ca. Hồi xưa học văn học Trung Quốc thầy Niệm – một chuyên gia văn học Trung Quốc đã giảng rất say sưa về nhân vật Khuất Nguyên và tục Tết Đoan Ngọ. Khuất Nguyên là quan Tả tư đồ của nước Sở. Đối nội, Khuất Nguyên chủ trương cải cách xã hội bằng những biện pháp nhằm hạn chế đặc quyền của bọn đại quý tộc, chủ trương “cân nhắc người hiền, trao quyền cho người có tài năng”; đối ngoại, chủ trưng liên Tề chống Tần. Khuất Nguyên bị đả kích kịch liệt vì điều đó mâu thuẫn với đường lối quyền lợi của bọn đại thần. Dao động, bất lực và ngu muội, nghe theo lời xúc xiểm của bọn nịnh thần vua Sở dần dần bỏ rơi Khuất Nguyên, cách chức Tả tư đồ, thậm chí còn đày ông đi Hán Bắc sau đó là Giang Nam. Khi nước Sở bị Tần diệt đúng như lời tiên tri của ông, tướng Tần là Bạch Khởi công phá kinh thành Sính của Sở. Đau xót quá, Khuất Nguyên uất ức buộc đá vào cổ tự dìm mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Đó là trưa (ngọ) ngày 5-5 âm lịch năm 278 TCN. Được tin, nhà vua vô cùng thương tiếc và hối hận, sai dân làm cỗ và thả xuống sông Mịch La – nơi Khuất Nguyên gieo mình để cúng Khuất Nguyên. Tương truyền là đêm đó Khuất Nguyên báo mộng cho nhà vua là cỗ phải lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc để các loài động vật không ăn được. Theo lời báo mộng của ông, Vua ra lệnh cho nhân dân làm theo. Từ đó, để tưởng nhớ một vị đại thần và nhà thơ yêu nước trung trinh, hàng năm cứ vào trưa ngày 5-5 âm lịch toàn dân Trung Quốc thường làm cỗ cúng linh đình bên các bờ sông là để tưởng niệm Khuyết Nguyên và đặt tên là Tết Đoan Ngọ. Tục này về sau không chỉ ở Trung quốc mà còn lan sang nhiều nước châu Á. Liệu có phải người Trung quốc đi làm ăn sinh sống ở những nước ấy đã mang luôn cả cái phong tục thờ cúng của họ đi theo chăng?

Người Việt chúng ta mùng 5/5 đều ăn tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên đồ thờ cúng cũng khác và thờ cúng tổ tiên chứ không phải là ông Khuất Nguyên thời Chiến quốc ở đất nước Trung hoa láng giềng. Dâng tổ tiên xong thì cả gia đình thụ lộc chứ cũng không thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên.

Mặc dù hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa của chúng ta cho rằng cái Tết Đoan ngọ của chúng ta không liên quan đến tung của. theo TS Trần Long, [trường Đại học](https://thanhnien.vn/giao-duc/chon-truong/) Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), người Việt xưa ăn tết vào tháng 11 âm lịch (gọi là tháng Tí). Do vậy, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa.Đây là thời gian người dân làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công nên còn gọi là tết nửa năm (tết giữa năm). Đó là một đặc trưng riêng của nền văn minh lúa nước để chứng minh tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ chính Việt Nam. Cũng tương tự như có nhà nghiên cứu cho rằng Tết 5/5 chính là Tết giỗ Quốc Mẫu Âu cơ. Nhưng nếu theo 2 lý giải trên thì không lý giải được tại sao đồ cúng toàn những hoa quả và rượu nếp, lại còn gắn với tục giết sâu bọ nữa? Cũng có giả thiết khác " ấy là vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết giết sâu bọ ".

Đấy, đại loại là có rất nhiều lý giải về nguồn gốc của tết Đoan Ngọ như vậy nhưng vì mình nghe bà mình kể tích Khuất Nguyên từ 50 năm trước, rồi lại nghe thầy Niệm giảng và hơn nữa bản thân cái tên Đoan Ngọ là đã một cái tên thuần Hán nên mình cứ có niềm tin nội tâm là tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Vì nếu là tết Việt sao không gọi một tên thuần Việt mà mượn từ Hán làm chi.

Và gì thì gì, ngày này mua hoa quả, rượu nếp thắp hương gia tiên nhưng mình vẫn nhớ đến Khuất Nguyên – cho dù ông không phải là người Việt, thì đã sao? Nhớ những câu thơ trong Ly tao - những tiếng khóc thảm, than dài của một mảnh hồn trong sạch và đau thương, chứa chất nỗi buồn thế sự:

"Thà cho sống đọa thác đày,
Lòng ta không nỡ để lây thói thường!
Loài chim cắt ngang tàng bay bổng,
Vốn xưa nay là giống không đàn.
Vuông tròn vốn chẳng cùng làn,
Khúc đường ai để yên hàn cho ai?
Tránh điều lỗi, mặc đời xoi mói!
Nén chí xưa, cam nỗi xót xa.
Thánh hiền xưa cũng như ta,
Thẳng ngay mà chết, ấy là chết trong!"

[#Tetdoanngo2020](https://www.facebook.com/hashtag/tetdoanngo2020?__eep__=6&source=feed_text&epa=HASHTAG)

[#yeubep](https://www.facebook.com/hashtag/yeubep?__eep__=6&source=feed_text&epa=HASHTAG)

TẾT ĐOAN NGỌ GIẾT SÂU BỌ LẠI NHỚ KHUẤT NGUYÊNSáng nay dậy sớm ra chợ. Khắp hai bên

TẾT ĐOAN NGỌ GIẾT SÂU BỌ LẠI NHỚ KHUẤT NGUYÊNSáng nay dậy sớm ra chợ. Khắp hai bên