Canh Bóng Thả Trong Mâm Cỗ Ngày TếtCỗ Tết Truyền Thống Hà Nội Có Một Món
Cỗ Tết truyền thống Hà Nội có một món mà cách nấu khá cầu kỳ, nguyên liệu cũng nhiều loại nhưng lại rất cân bằng về vị giác. Đó là món canh bóng nấu thả.
Bố chồng tôi thường nói rằng, nhìn vào nước canh thôi là biết người nấu có tinh tế kỹ càng không. Bởi nước canh bóng phải trong, không gợn váng mỡ, vị ngọt thanh và phải thấy rõ được vị của từng nguyên liệu làm nên bát canh ấy.
Tôi chưa từng được làm bóng bao giờ, nhưng nghe chồng tôi kể lại thì ngày trước cứ gần đến Tết là mẹ chồng tôi sẽ chọn những miếng bì thật đẹp, sạch lông đem về làm sạch rồi luộc chín. Sau đó phải dùng dao bỏ hết lớp mỡ thừa rồi đem phơi khoảng 3 nắng để bì khô lại rồi mới đem nướng. Bì lợn nổ đều đẹp mới đem cất vào túi bóng kín để dành đến Tết nấu canh bóng hay làm bóng xào.
Bây giờ thì đơn giản hơn nhiều, các bạn chỉ cần ra chợ hoặc siêu thị đều có bán sẵn bóng bì đã nổ và chỉ việc đem về sơ chế. Bóng đem ngâm nước vo gạo hoặc nước ấm vài tiếng, lấy cái gì nặng đè lên để bóng chìm hẳn trong nước và khi nào miếng bóng nở mềm là đem ra rửa sạch với rượu gừng (gọi là tẩy bóng) để sạch mùi hôi. Sau đó cắt thành những miếng hình quả trám đều nhau. Mình thường làm nhiều một lần rồi đem cấp đông, khi nấu chỉ mang ra xả nước là mềm như bóng vừa ngâm.
Bên cạnh bóng bì là nguyên liệu chính thì món bóng nấu còn cần đến nhiều loại rau củ như súp lơ xanh, súp lơ trắng, đậu hà lan, ngô bao tử, su hào và cà rốt. Các nguyên liệu đều cần được sơ chế, cắt gọt, tỉa hoa, thái miếng vừa ăn và chần sơ rồi ngâm với nước lạnh. Nấm hương ngâm với nước cho nở mềm, bao mọc rồi luộc chín. Bóng bì ướp với chút gia vị cho đậm đà.
Nước canh bóng phải dùng nước luộc gà đã hớt hết mỡ (cách đơn giản nhất là cho vào tủ lạnh đến khi phần mỡ đông lại và có thể vớt ra dễ dàng), sau đó cho tôm khô vào đun thật nhỏ lửa. Kỹ tính hơn nữa thì có thể thêm ít sò điệp khô đã ngâm mềm vào nồi nước dùng thì nước sẽ có vị thơm ngọt rất đặc biệt. Nêm nếm nước dùng vừa miệng rồi mới thả các loại rau củ vào, sôi lại là vớt ngay để bày ra bát. Bát bày món bóng nấu thả thường phải là bát chiết yêu, phía dưới nhỏ và miệng loe rộng để tiện cho việc "khoe" được hết các nguyên liệu của món ăn, đồng thời lại thanh thoát và không tốn chỗ khi bày trên mâm.
Nếm một thìa nước canh bóng phải thấy đủ vị ngọt thanh của nước luộc gà và rau củ, vị thơm của tôm khô, nấm hương, vị ngọt của sò điệp. Sự hoà quện của các thành phần đó tạo nên một món ăn vô cùng tinh tế và cũng vì sự cầu kỳ ấy mà món bóng nấu thường chỉ xuất hiện vào các dịp đặc biệt, đó là trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội.
Trẻ con nhà mình thường háo hức mong chờ món canh bóng mẹ làm và giúp bày bát bóng nấu thật đẹp trên mâm cỗ Tết. Bạn thấy đấy, bát bóng với đủ các màu sắc thật nổi bật và cũng góp phần trang trí cho mâm cỗ thêm nhiều phần hấp dẫn.
Vì vậy mà dù có hơi phức tạp và tốn công sức ít nhiều thì mình vẫn luôn cố gắng làm nó mỗi năm vào dịp Tết để cả nhà cùng thưởng thức.
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây