Hướng dẫn cách dưỡng hoa tươi lâu

Chia sẻ cách dưỡng hoa tươi lâu ...

Một điều thú vị là là môi trường thiên nhiên cỏ cây hoa lá xung quanh chúng ta còn rất nhiều điều lý thú mà hàng ngày mỗi người đều nên học hỏi. Bởi Bà Mẹ thiên nhiên luôn luôn giành tặng những sự bất ngờ cho những ai biết cách nâng niu, chăm sóc những món quà đó.

Đơn giản chỉ là một việc cắm hoa hàng ngày, tô điểm cho không gian sinh hoạt chung hay tổ ấm của bạn. Điều này cũng cần một số kỹ năng nhất định nếu như bạn muốn trải nghiệm một cách thật sự thú vị và lưu giữ lâu hơn những khoảng khắc tươi đẹp đó bên mình.

Thông thường, khi mua hoa, hoặc nhận một bó hoa các bạn sẽ làm gì trước tiên và các bước nối tiếp theo để có một bình hoa tươi đẹp, rực rỡ...

Mình thì sẽ làm tuần tự các bước sau đây, mời các bạn bổ sung khi thấy chưa đúng hoặc bất hợp lý nhé.

1- Tắm hoa
2- cắt gốc, tỉa bớt lá
3- ngâm dưỡng
4- lên bình

Cách làm như sau:

1- Tắm hoa: dùng vòi hoa Sen tưới và rửa trôi tất cả đất, bụi bẩn bám trên toàn bộ cành hoa (một số loại hoa không nên phun nước làm ướt mặt hoa gây sỉn tái và thâm cánh). Bước này tương tự như mình đi xa về, sẽ đi tắm một chút để thân thể sạch sẽ tràn đầy sinh lực xua tan hết mệt mỏi sau chuyến đi dài.

Hoa cũng như người vậy đó!

2- Cắt gốc, tỉa bớt lá: chuẩn bị một chậu nước nhỏ, đặt cuống hoa vào đó, dùng kéo sắc cắt vát cuống hoa trong môi trường nước.
Chú ý không nên cắt khô như thông thường sẽ có không khí lọt vào tạo ra các lỗ hổng gây cản trở trở quá trình hút nước của cành hoa. Cái này là mình học từ kỹ thuật cắm dưỡng hoa Ikebana NHÀ IKENOBO- nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.

Tỉa bớt lá phía dưới chân gốc của cành hoa, bởi những chiếc lá này còn lại nếu cắm sẽ nằm trong nước nhanh chóng hỏng ảnh hưởng tới độ bền tươi đẹp của bình hoa.

3- ngâm dưỡng: đối với đa số các loại hoa thì sẽ ngâm dưỡng bằng nước ấm vừa tay để nước được hút nhanh hơn nuôi hoa. Đồ ăn nóng sốt khi bạn đang mệt mỏi sẽ nhanh chóng được hấp thu và các dưỡng chất nhanh chóng tỏa đi nuôi cơ thể. Ngày xưa Chí phèo chỉ ăn có bát cháo hành nóng của thị Nở mà tràn đầy sinh lực là thế.
Có vài trường hợp đặc biệt khác là sẽ dưỡng hoa bằng nước có thả thêm đá lạnh đối với những loại hoa thủy sinh như : Sen, Súng ...
và các loại hoa nguồn gốc Ôn đới mà điển hình là Tulip...

Một cách dưỡng trái ngược hoàn toàn khác nữa là hoa Chuông cần dưỡng với nước nóng hơn nữa ở nhiệt độ khoảng 70-75 độ thì hoa mới nhanh nở và bền màu.
Tuỳ theo điều kiện về thời gian mà chúng ta có thể ngâm dưỡng khoảng 6 tiếng hoặc ít nhất là 2 giờ đồng hồ cho hoa được phục hồi hoàn toàn.

4- Lên bình: sau một khoảng thời gian nằm dưỡng nhan, những cành hoa đã căng bông, mọng cánh và hoàn toàn sẵn sàng để trưng bầy.

4-A-Tỉ lệ thường gặp
4-B-Chất liệu - vật liệu
4-C-Hình khối cơ bản
4-D-Mầu và sắc
4-E-Không gian trong và ngoài
4-G-Ánh sáng

4- A- Tỉ lệ thường gặp,
Thông thường cành cao nhất sẽ là tổng nhân hai/ hai rưỡi của hai số đo: chiều cao của bình + đường kính miệng bình.

Cành cao nhất = (H + DK )x2 -2.5 (1)

Nhưng vẫn có một tỉ lệ chi tiết hơn do những trải nghiệm mình rút ra là :
LỌ 3 HOA 7

Vì trong một số trường hợp cắm những loại hoa mềm rủ trên lọ bình hình trụ cao thì không thể áp dụng cách tính số (1) được.

Có nghĩa là khi bạn cộng tổng tất cả khối hoa lá phía trên là 7 đơn vị thì tỉ lệ bình lọ chuẩn với nó sẽ là 3 đơn vị. Lưu ý là tính hình học không gian/ chiều sâu 3D của bình hoa chứ không đơn thuần là hình ảnh 2D của sản phẩm nhé. Bao gồm cả những bông hoa/ cành lá phía sau bị che lấp không nhìn thấy. Tương tự đối với bình lọ cũng vậy, là bài toán về thể tích Chu vi, diện tích toàn phần.

Tỉ lệ cũng nên tính cả diện tích bình hoa sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong không gian trưng bày nữa

4-B- Hình khối,
4-B-1: Hình khối của vật cắm
Thông dụng nhất là các loại hoa cành dài, thẳng sẽ cắm vào các loại bình lọ hình trụ, hoặc hơi loe miệng có chiều cao tương xứng độ dài cành hoa: Thạp, ống dù, chum, thống, độc bình với các loại Lay ơn, Violette, Thược Dược, Sen, Huệ, Loa Kèn vân vân...

Với những loại hoa cành trung bình mà cấu trúc mặt hoa tròn thì kết hợp bình lọ có nhiều đường cong hơn. Tuỳ theo diện tích mặt hoa, độ dài cành và tỉ lệ của lá mà nên chọn bình lọ cho phù hợp.

Nói chung tất cả các dáng lọ có đường kính miệng mở rộng hơn đáy bình thì cắm được gần như tất cả các loại hoa.

4-B-2: Hình khối hoa lá.

Từ trước tới nay mọi người hay cắm hoa chủ yếu là theo cảm tính. Nên ít chú trọng đến các điều nho nhỏ và tiểu tiết làm nên một bình hoa tươi đẹp về chất lượng và đẹp cân xứng về tỉ lệ giữa bình cắm phía dưới và khối hoa bên trên. Cũng có một số bạn quan tâm tới hình dạng của bình để kết hợp với hoa sao cho đẹp nhất theo Mỹ cảm cá nhân. Một số khác cũng có thêm một bước tiến nữa là phân tích cấu trúc, hình dáng đặc biệt của từng loại hoa khác nhau từ độ dài cành, sự sắp xếp của bộ lá cho tới cấu trúc riêng biệt của mỗi loại hoa khác nhau. Cái tinh tế của người cắm là làm sao diễn đạt tốt nhất, hoặc tối đa vẻ đẹp khác nhau của mỗi loại hoa. Tức là nói lên khí chất riêng của mỗi một cá thể chuyên biệt.

Cắm Mai cắm Đào phải ra khí chất của Đào của Mai.
Diễn đạt các loại hoa thân gỗ mạnh mẽ, hiên ngang, khí phách, uy nghi bay lượn sẽ khác với kiểu hoa Cúc hoa Hồng hoặc các loại Thuỷ sinh hay các loại hoa đồng nội dịu dàng, nhẹ nhàng ...

4-C- Chất liệu,
Với những loại hoa nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều nên chọn bình cắm có chất liệu phù hợp nhất sẽ là: gốm- sứ, sành, đất nung cho tới các chất liệu kim loại đồng, bạc...
Nói cách khác là hoa ta, nội địa nên cắm với bình chất liệu bản địa.

Còn những loại hoa nguồn gốc ôn đới khô lạnh thì hợp với bình Pha Lê, thủy tinh hơn là làm ngược lại.

Cũng có một vài trường hợp khác biệt là những loại hoa có thể kết hợp cắm với đa số vật liệu khác nhau như hoa Hồng, Layon, Lan Tường... là những ví dụ.

Trong các chất liệu cơ bản như gốm, sành sứ, Pha Lê, thủy tinh, đá, gỗ, mây tre đan, kim loại,nhựa, composit lại có các lớp men- áo - mạ phủ bên ngoài chất liệu tạo nên những cảm giác :

To >< nhỏ
nóng >< lạnh
ấm áp >< mát mẻ
choáng ngợp >< tinh tế
Vững chắc >< thanh nhã
Uy nghi >< bay bổng
Bình an, uyển chuyển
Hài hoà >< bất cân xứng
Mà sự góp phần làm nổi bật tất cả những tính chất ấy có thể nói là có sự đóng góp của chiếc bình cắm hoa chiếm 50% sự thành công của mỗi một sản phẩm.

Mùa Xuân : Đào, Mai, Lê, Mơ, Mận không hợp với pha lê, thủy tinh mà thích hợp với chất liệu Gốm, sành sứ, kim loại, gỗ, đá có phom dáng cổ kính trang trọng để phù hợp với những dáng cành uốn lượn bay bổng.

Mùa Hạ : Sen, Súng hợp với Gốm, sứ, Sành, đồng từ những mầu sẫm nhất như nâu đen, xanh đen cho tới mầu nhạt nhất là các sắc trắng và các dòng men Ngọc. Trong một vài trường hợp đặc biệt có thể kết hợp với thủy tinh kiểu dáng hiện đại nhưng rất ít.

Mùa Thu: các lại Hoa Cúc ăn ý với bình gốm, sành sứ nhất là mix mầu đồng tone hoặc họ hàng với nhau: Cúc vàng lọ nâu, Cúc Tím lọ xanh hoặc Cúc trắng lọ xanh/ đen. Hoặc như có thể dùng tương quan đậm nhạt hoa và bình cùng mầu chỉ làm rõ nâng hạ tone khác nhau- hiệu quả của sự phối mầu cùng tone và nhã- cũng mang lại những cảm xúc tinh tế khi nhìn ngắm chúng.

Mùa Đông: cánh Bướm, Đồng tiền, Layon và một số loại hoa khác vừa cắm bằng bình gốm sành sứ lại vẫn rất hợp khi đi cùng Pha Lê thủy tinh...
Cái đẹp của vật liệu trong suốt là khoe dáng được toàn bộ vẻ đẹp của những cành hoa mà các chất liệu đặc khác không có manh lại vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết nhẹ nhàng.

Ví như mùa Hè mọi người hay cắm hoa vào bình thủy tinh cao (trong hoa tươi truyền thống Việt Nam) hoặc cắm dạng Freestyle- Moribana Ikebana NHÀ IKENOBO với dạng bát thấp để thấy mặt nước nhiều hơn. Tất cả những điều đó chỉ với mục đích tạo nên một tác phẩm xanh mát, tươi trẻ và tràn đầy sự sống (cả hai cách trên đều nhìn thấy mặt nước- cội nguồn của sự sống). Nhằm của tan một phần nào đó giữa vùng thiên nhiên khí hậu nóng bức của mùa Hè nhiệt đới.

Hoặc như giữa tiết trời oi bức nhìn ngắm một bình hoa cho dù giản dị đến mức tối giản với những nhành hoa trắng muốt tinh khôi (hoặc mầu sắc dịu nhẹ) được sắp đặt cẩn trọng và tỉ mỉ vào trong một chiếc bình phù hợp mầu sắc trang nhã sẽ thấy thư giãn và thoải mái hơn nhiều khi phải đối diện với những bình hoa quá phô trương về hình thức với mật độ chen chúc, dầy đặc sẽ tạo cảm giác bất an và khó chịu.

4-Đ : Mầu và sắc:
Có nhiều cách phối mầu từ đơn giản tới phức tạp hoặc tinh tế nhất.

Đơn giản nhất mà mọi người hay nhắc tới là tương phản:
Đỏ>< Xanh; Tím >
Cho tới cách mix mầu cùng tone mà đỉnh là các sắc thái có cùng một sắc mầu nhưng có độ đậm nhạt khác nhau (cùng mầu nhưng khác sắc). Là cách bắt chước Bà Mẹ thiên thiên hay nhất và hữu ích nhất qua các ví dụ của những cành hoa kết cấu dạng chùm. Bông nở trước khác về độ đậm nhạt với bông nở sau. Chưa tính thêm giàu về tỉ lệ To - nhỏ - trung gian của các bông hoa nở đầy- nụ -chớm nở, điển hình là Lan Tường hoặc một số loại Cúc chùm...

Một cách mix khác là dùng hệ mầu cơ bản có họ hàng gần nhất với nhau. Ví dụ Hoa Cúc vàng sẽ ăn ý với lọ gốm mang nhiều sắc thái nâu khác nhau. Từ nâu sành cho tới nâu đất, nâu các loại vỏ nhuyễn thể : vỏ ốc ...
Hoặc gần như các loại hoa - đặc biệt là hoa trắng sẽ rất thích hợp khi cắm lọ men xanh lá cây. Vì thuận theo lẽ tự nhiên, ngoài thiên nhiên có tỉ lệ lá nhiều hơn hoa.
Vì đã lược bỏ bớt đi những phiến lá đã nâng đỡ làm đẹp cho những bông hoa nên chúng ta khéo léo cộng thêm mầu xanh lá bù vào chỗ thiếu hụt và điều này sẽ làm người ngắm thư thái - cân bằng thị giác hơn là dùng bình quá chói lọi (VD là mầu đỏ/ cam) lấn át vẻ đẹp của hoa.
...

Ngoài ra còn nhiều cách phối màu khác như : rực rỡ, trầm rực , trầm nhã, đơn sắc hoặc dịu hoặc có thể kết hợp từ 2-3 cách với nhau ...

4-E- Không gian trong và ngoài
Không gian bên ngoài : tức là không gian chứa đựng và trưng bầy bình hoa.
Tuỳ thuộc vào không gian rộng lớn hay nhỏ hẹp và thói quen sẽ quyết đụng hình thức trưng bầy.
Với một không gian nhỏ nhắn xinh xắn thì đôi khi một bình hoa đơn giản nhẹ nhàng sâu lắng sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn một bình hoa chen chúc chồng lấp lên nhau. Bởi suy cho cùng phải xác định chúng ta cắm hoa để làm gì? Thỏa mãn, diễn đạt cái tôi cá nhân hay tìm một sự thư giãn, thoải mái trong tâm hồn. Hoặc dùng một khoảng thời gian quý báu của riêng mình để Thiền cùng thiên nhiên - trò chuyện với hoa lá và đem tới cho chúng một đời sống mới hay chỉ đơn giản là phải đăng FB để sống ảo hoặc làm vừa lòng mọi người trên mạng xã hội ?

Vì vậy hãy yêu hoa theo cách của riêng mình, điều kiện không gian mình có là hợp lý và tìm mọi cách để thư giãn với chính không gian sinh hoạt, điều kiện mình có. Mọi sản phẩm đều có giá trị tích cực nếu như chúng ta gạt bỏ được những so sánh về số lượng, hình thức và giá trị cơ học về chi phí mua sắm.

Hãy chú trọng vào giá trị tinh thần mà nó mang lại, đơn giản vậy thôi.

Không gian bên trong: tức là khoảng trống cần có giữa các đơn vị hoa- lá- cành.
Điều này sẽ có ít người để tâm tới, nhưng thực sự cần thiết bởi một bình hoa có chủ đích làm rõ không gian chiều sâu 3D sẽ khác so với bình hoa cắm kiểu “ Thả vào lọ”

Những bình hoa cốt sao cho nhiều đơn vị và phủ kín không gian mặt phẳng cong - mà tất cả những đóa hoa nằm cùng trên một mặt phẳng chen chúc, chật chội không khác gì bà bán xôi đắp đĩa xôi lạc mà hình ảnh là những hạt Lạc rải đều đặn trên mặt phẳng cong của đĩa xôi. Cắm hoa như vậy cốt lấy số lượng đàn áp hàng trăm bông giống nhau về độ nghiêng, độ cao cộng thêm áp lực tứ diện đều nhau vo tròn như đúc khuôn thì sẽ không bao giờ nói được tâm Hồn hay khí chất riêng biệt của mỗi loại hoa khác nhau. Từ thân mộc - thân thảo cho tới thủy sinh hoa hoa đồng nội giản dị.

Một cách cắm hoa sao cho đẹp xin mời các bạn hãy quan sát Thiên nhiên quanh ta. Những loại thực vật nhỏ bé xinh đẹp luôn có tiếng nói riêng của chúng. Lắng nghe, quan sát sắp xếp, bố cục và diễn đạt lại những vẻ đẹp ngoài thiên nhiên vào trong ngôi nhà của bạn phải chăng là một công việc khá lý thú hay sao...