🌿☘️🍀Còn Mùng Là Còn Tết Và Đồ Ăn Vẫn Còn Cần... Xử Lý, Làm Sao Với Seri Thịt Đông Đá

🌿☘️🍀CÒN MÙNG LÀ CÒN TẾT VÀ ĐỒ ĂN VẪN CÒN CẦN... XỬ LÝ, LÀM SAO VỚI SERI THỊT ĐÔNG ĐÁ MÀ LƯỜI RÃ ĐÔNG? 🌿☘️🍀

Nhà mình hôm qua lôi từ trong tủ lạnh ra vẫn còn nguyên chiếc chân giò to đùng đêm Giao thừa. Tống tủ đá và giờ lôi ra ngại vô cùng chuyện rã đông, rã đông xong rồi làm gì? Tình cảnh này còn lặp lại với gà, ngan, sườn các loại...

🍖🥩Và để cho nhanh mà không sợ bay mất tí chất nào đồng thời vị thịt giữ nguyên, nhà mình thường lôi thịt từ ngăn đá và đút nguyên trạng vào lò nướng, kết hợp dùng giấy bạc bọc ủ và chuyển dải nhiệt của lò từ 200 độ - 250 độ. Sau khoảng 2 tiếng là ra 1 miếng nướng tảng ngon lành, mọng xốp, ngọt lịm như thịt tươi mới.

🍖🥩Mình xin chia sẻ "phi vụ" đút lò nguyên tảng chân giò cả móng mà không cần qua bước rã đông của nhà mình, cách làm này có thể áp dụng linh hoạt với các loại thịt cấp đông nguyên khối như sườn, gà, vịt, ngan...

🍖🥩CHÂN GIÒ NGUYÊN TẢNG ƯỚP THẢO MỘC ĐÚT LÒ

**- BƯỚC 1:** Chân giò đông đá nguyên tảng (chiếc chân này chắc phải 4-5kg) sau khi lấy từ tủ lạnh ra xối qua nước ấm cho tan lớp đá bên ngoài. Chiếc chân giò này là mình có luộc sơ để thắp hương Giao thừa, sau vì to quá nên để nguyên chiếc nhét ngăn đá.

**- BƯỚC 2: **Khứa nhẹ lớp da chân giò, xoa đều chút dầu oliu (hoặc dầu ăn bình thường cũng ok) và chanh vàng cho khử hẳn mùi hôi và giúp lớp da sau nướng sẽ căng mọng. Nếu ko có chanh vàng thì có thể thay bằng dấm gạo hoặc dấm hoa quả.

**- BƯỚC 3: **Trong nhà còn loại thảo mộc nào mình lôi ra dùng nốt, cả khô cả tươi. Nếu các bạn có sả, quế thì cũng có thể dùng hương vị đó nhé.

**- BƯỚC 4: **Sau khi xoa đều thảo mộc và chanh cho thơm, mình dùng muối hạt rắc đều lên. Dùng muối hạt to giúp quá trình tan muối chậm, ngấm dần đều vào thịt trong quá trình nướng - rã đông.

**NOTE: **Quá trình ướp các bạn có thể linh hoạt tùy thói quen và khẩu vị mỗi gia đinh. Chỉ lưu ý là nên ướp muối, không dùng mật ong hay đường trong giai đoạn đầu tiên này vì dễ khiến thịt bị cháy ngay trong bước nướng đầu tiên.

**- BƯỚC 5 - BƯỚC QUAN TRỌNG: **Làm nóng lò trên và dưới (hoặc bật chế độ đối lưu) ở mức nhiệt 230-250 trong vòng 15 phút.

🍖🥩Để chân giò đã ướp cùng lớp thảo mộc (hoặc gừng sả... tùy ý) trong khay hoặc âu nướng. Bọc kín bằng giấy bạc, đút lò. Bật nhiệt ở mức 220 độ trong vòng 30 phút, sau đó hạ nhiệt xuống 200 độ trong vòng 30 phút tiếp. (Thời gian này có thể thay đổi, gia giảm tùy theo độ lớn của tảng thịt).

🍖🥩Lưu ý giấy bạc phải bọc rất kín, ko làm rách vì nhờ lớp giấy bạc này mà thịt được làm nóng trong lò ở nhiệt độ cao, được rã đông và gia vị được thấm từ ngoài vào trong, không bị chảy nước đồng thời lại không bị cháy khét lớp da ngoài.

**- BƯỚC 6:** Trong quá trình chờ thịt được rã động và nướng chín dần trong lò, mình làm nước sốt. Sẵn tiện mùa dâu nên mình làm nước sốt từ dâu tây, gồm: đường - rượu vang - dâu tây cắt nhỏ. Các bạn có thể tùy ý làm nước sốt loại nào mà mình thích nhé.

**- BƯỚC 7:** Sau khoảng 1 tiếng, mở lò, bỏ lớp giấy bạc, lúc này thịt đã được rã đông từ trong ra ngoài và đã chín lòng đào, đồng thời tiết ra nước rất ngon. Trộn nước đó với nước sốt và rưới đều lên 2 mặt của tảng chân giò.

Tiếp tục đút lò nhưng không cần dùng giấy bạc. Bật chế độ nướng trên, 180-200 độ C (tùy lò nướng và độ lớn của tảng thịt). sau 15 phút thì lật tảng thịt, rưới lại nước sốt 1 lần nữa. Sau 30 phút, 2 mặt thịt sém đều, nước sốt sánh đặc.

**- BƯỚC 8: **Và giờ thì dọn ăn thôi. Ăn tới đâu mình cắt thịt tới đó nhé. Thịt tảng nướng theo nguyên tắc này sẽ luôn xốp ngọt, không bị khô, lớp da bên ngoài thì ko bị cháy và nước sốt thì sánh óng luôn í.

Chúc cả nhà mình sẽ xử lý nhanh gọn tủ lạnh Tết nha vì cách làm này có thể áp dụng linh hoạt với các loại thịt cấp đông nguyên khối như sườn, gà, vịt, ngan... :)