#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi.

Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

Cháo được coi là món ăn trong những ngày thay đổi thời tiết, trong người bỗng dưng khó ở, nhạt mồm nhạt miệng mà húp một bát cháo nóng hôi hổi điểm tô vài cọng hành hoa thôi cũng thấy tỉnh cả người ra. Trải qua nhiều biến cố thời gian, cháo dần dần đi vào đời sống của người nghèo như một món ăn gắn chặt với đời sống tinh thần của người dân vùng quê lúa nước lâu đời. Chẳng thế mà bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí Phèo đã trở thành hình ảnh bất tử về món ăn dành cho người lao động những khi “trái gió trở trời” đấy sao?

Thật ra, cháo ở đâu trên mảnh đất chữ S này cũng có thể mang những hương vị “quê nhà” rất ngon. Bát cháo ấy dù nấu từ những nguyên liệu đắt tiền hay rẻ tiền, nấu bằng thứ gạo ngon hay gạo hẩm, nấu bằng bếp ga, bếp điện hiện đại thời nay hay bằng bếp củi, bếp rơm cay cay mùi khói thì tất cả đều sẽ là bát cháo của những gia vị yêu thương nồng đượm mà những ai đã từng một lần bưng bát cháo ấy lên miệng húp đâu dễ gì có thể quên được.
Trong ký ức trẻ thơ của bất kể đứa trẻ Việt nào, cháo là món ăn gắn chặt với tuổi thơ của chúng nhất. Cháo là món ăn thấm đượm tình yêu thương của mẹ, của bà nhất. Những bát cháo mát lòng mùa hè và ấm lòng mùa đông tưởng chừng như đơn giản ấy lại tốn bao nhiêu công sức của các bà, các mẹ từ khâu chuẩn bị đến giai đoạn canh lửa – trải qua đủ những nóng lạnh cuộc đời – bát cháo là hội tụ của tình yêu và hội tụ của những tinh túy ngọt lành.

Ở Hà Nội có rất nhiều món cháo để ăn chơi và để ăn no bụng cũng chẳng sai. Những món cháo được ưa chuộng hơn cả ở Hà Nội là: Cháo lòng, cháo đỗ xanh ăn cùng đậu rán tẩm mắm hành và cà pháo, cháo trai… Nhưng món cháo có thể thuyết phục được những người chẳng ưa cháo, ăn quanh năm suốt tháng những lúc đói lòng đến nhạt miệng có lẽ phải kể đến cháo sườn. Không giống với cháo lòng để đưa đẩy vài chén rượu bên bạn hiền, cháo đỗ xanh ăn mát lòng giải nhiệt những ngày oi bức, thấy chán ngán những bữa cơm nhiều đạm nhiều mỡ, hoặc cháo gà, cháo vịt chỉ ăn chơi ăn bời đổi vị, cháo sườn là món quà “kì diệu” có thể chinh phục được những thực khách khó tính bậc nhất như… đám trẻ con biếng ăn. Trẻ con Việt Nam, bất kể đứa nào cũng từng trải qua những ngày “mài đũng quần” với những gánh hàng cháo sườn ngoài chợ. Có đứa ở nhà, mẹ nấu cháo ngon thế nào, dỗ ngon dỗ ngọt làm đủ các trò ra sao cũng chẳng chịu há miệng ăn lấy một thìa. Nhưng bà bế ra hàng cháo sườn là há miệng ăn thun thút. Thế là bà thì bảo mẹ không biết chăm con, mẹ thì trách mình đoảng vì chẳng biết cách nào để nấu được nồi cháo sườn ngon ngọt như ngoài hàng. Hình ảnh đám trẻ con, những người đi làm khỏe mạnh đến người già cả ngồi chen chúc, quây quần bên gánh hàng cháo sườn đang nghi ngút bốc khói làm người ta thấy ấm lòng biết bao, không đói bụng cũng muốn ghé vào làm một bát cho vui miệng.

Lạ là, món cháo nào các mẹ cũng có thể nấu ngon nấu khéo ở nhà, nhưng cháo sườn nấu cho ra vị ngọt thơm lại không phải là món dễ nấu cho được. Để có được nồi cháo sườn sánh mịn, tưởng chừng rất đơn giản nhưng kể ra là cả một bí quyết gia truyền lâu đời riêng. Cháo sườn ngon là không được loãng quá mà cũng không được đặc quá, phải sánh mịn, xúc một thìa đưa lên miệng – chao ôi, cháo cứ tan đi, trôi tuột xuống cổ họng, ăn đến đâu thấy người tỉnh ra đến đấy. Công đoạn quan trọng nhất để có được nồi cháo sườn đã đi vào “huyền thoại” trong ký ức trẻ thơ là ở việc xay giã gạo. Không giống với các loại cháo khác, cháo sườn có cách nấu riêng. Gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỷ lệ nhất định, không được nhiều gạo nếp quá kẻo bứ, mà cũng có nơi người ta không cần thêm gạo nếp, chỉ độc có gạo tẻ không vẫn cho ra nồi cháo sườn ngon lành, sánh mịn. Sau đó người ta đem xay nhuyễn với nước hoặc xay khô thành bột mịn. Có người thích ăn cháo sườn được xay mịn hẳn, cũng có người thích hạt gạo được xay cho hơi vỡ, khi ăn có cảm giác lạo xạo trong miệng. Thế nên có những hàng, người ta giã gạo không nhuyễn hẳn thành bột mà hạt gạo lấm tấm, li ti như hạt cám, lúc ăn những hạt cháo chạm vào lưỡi hơi sần sật chứ không tan ra rất nhanh như ăn bột, nhưng bát cháo vẫn đảm bảo được độ êm ái, mịn màng – đó cũng là cái khéo của người nấu. Công đoạn thứ hai để có nồi cháo sườn ngọt lịm, ăn đến đâu như thấm vào cổ họng đến đấy chính là sự tinh tế trong việc chọn lựa xương ninh nước dùng. Xương cục, xương hom sau khi được rửa sạch thì đun sôi với vài ba hạt muối rồi đổ bỏ nước đầu này đi để xương hết mùi hôi và những cặn bẩn, sau đó người ta mới ninh lấy nước dùng. Những dẻ sườn non cũng được sơ chế như thế nhưng là ninh để lấy thịt. Khi nước dùng đã được thì từ từ đổ bột gạo vào nồi, khuấy đều tay cho gạo không bị vón cục. Lúc nồi cháo bắt đầu sôi lục bục, các bà các mẹ phải hết sức nhanh tay thêm vào nồi độ hai thìa bột đao đã được hòa sẵn với nước, khuấy nhanh tay cho đều rồi nêm nếm chút bột ngọt. Đừng có vội cho nước mắm vào ngay mà hỏng cả nồi cháo đi đấy. Nước mắm chỉ được nêm vào sau cùng khi gạo đã nở hết, hòa quyện với nước xương cho ra màu trắng đục như sữa, sền sệt và nhuyễn mịn, tắt bếp đi rồi nêm vào đó mấy thìa nước mắm là cả nồi cháo sẽ dậy mùi thơm lừng, đậm đà và hấp dẫn. Múc một thìa cháo sườn còn nóng hôi hổi, ăn kèm với chút tiêu, chút ớt bột cay cay, một vài cái quẩy giòn tan cắt nhỏ trong những ngày đông lạnh buốt quả thật là “hợp tình hợp cảnh” biết bao. Chẳng thế mà, cháo sườn vốn được xem là món ăn tuổi thơ kinh điển của người Hà Nội, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày từ để ăn sáng đến lót dạ buổi chiều.

Mà với tuổi thơ của người Hà Nội thì cháo sườn là món ăn được thương được nhớ nhất. Cái thời của chúng tôi, những thế hệ 8x và 9x đầu đời, mọi thứ nào phải đã đầy đủ đến mức thừa thãi như bây giờ, gia đình vẫn phải chật vật miếng ăn nên quà vặt với đám trẻ con thời ấy cũng dăm thì bảy họa, đôi khi chẳng phải quá ngon lành nhưng vì đói, vì hiếm, vì thiếu thốn nên lũ trẻ quý từng miếng ăn, ăn trong sự rụt rè, thòm thèm nuối tiếc. Chiều chiều sau khi chơi nhảy dây, đá ống lon, trốn tìm đã thấm mệt, cả lũ vẫn thường ngồi tụm năm tụm bảy trước sân nhà đợi chờ một tiếng rao: “Cháo sườn nóng đây” vang lên nơi đầu ngõ. Sau tiếng rao khàn khàn của bà cụ bán cháo sườn là lũ chúng tôi hò reo, lần lượt đứng xếp thành hàng để đứa lớn nhất “thu tiền” đóng góp, có được bao nhiêu thì mua chung bấy nhiêu rồi về chia ra, mỗi đứa ăn một ít. Bà cụ bán cháo sườn hơn bảy mươi tuổi, gầy gò gánh nồi cháo sườn rất to, nắng cũng như mưa đều đặn qua từng con ngõ nhỏ, tiếng rao khàn đục chẳng đủ to nhưng luôn vang vọng trong suốt tuổi thơ của khu xóm nghèo tôi sống ngày ấy. Gánh hàng của bà chẳng có gì nhiều. Chỉ là đôi quang gánh với một bên đặt nồi cháo bằng gang, được ủ ấm trong những lớp vải nâu đã bạc màu với thời gian, một bên là cái rổ to, úp vài cái bát sành sâu lòng, cái có vết nứt, cái đã mẻ miệng, cùng vài chiếc ghế gỗ thấp. Cứ thế, cứ thế, đôi quang gánh oằn trên tấm lưng còng của bà đi qua hết con phố này đến con phố khác, vào từng con ngõ nhỏ hun hút của những xóm lao động nghèo mỗi chiều. Bát cháo sườn năm trăm đồng thấp thoáng vài miếng thịt sườn hồng hồng, vàng rộm những chiếc quẩy nóng được cắt nhỏ đã trở thành món quà vặt được khao khát nhất trong lòng mỗi đứa trẻ thuở nghèo khó. Nhưng có một điều thân thương hơn cả trong ký ức con trẻ ngày xưa chính là việc chúng tôi tranh nhau được ăn cháo…cuối nồi. Vì xóm tôi nằm gần cuối khu phố, khi bà gánh hàng tới cũng là lúc cháo trong nồi gần hết, hôm nào đắt hàng thì chỉ múc thêm được độ ba, bốn bát là hết sạch. Nhưng trong nồi vẫn còn một lớp cháo mỏng phủ quanh cùng với lớp cháy cháo rất dày ở dưới. Bà thường cho chúng tôi vét nồi miễn phí sau khi đã bán hết một lượt cháo cho cả lũ. Thế là chúng tôi oẳn tù tì để xem ai là người thắng cuộc hôm đấy sẽ được hưởng trọn phần vét nồi. Cũng có hôm, cả hội túm tụm lại quanh cái nồi, mỗi đứa một tay cầm thìa vét lấy vét để. Cháo cuối nồi ngon lắm, ngọt lắm, có người bảo đấy mới thực là phần ngon nhất của cháo sườn. Cái vị ngọt ngào được vét nồi đó chắc chỉ có thế hệ những ai sinh năm 80, đầu 90 của chúng tôi là hiểu rõ. Là vì khó khăn, là vì thiếu thốn nên biết trân quý những thứ mình có. Bởi vì không có nên không thể phung phí điều gì.

Bẵng đi theo thời gian, cuộc sống ở khu xóm nghèo đã có nhiều thay đổi, hình ảnh quai gánh, nồi cháo sườn bằng gang được ủ trong vải nâu với chiếc ghế gỗ bạc màu thưa dần rồi biến mất, bà cụ bán cháo sườn có lẽ đã qua đời rất lâu, chẳng ai còn nhắc đến bà nữa, cũng chẳng còn hình ảnh lũ trẻ con xúm quanh nồi cháo tranh nhau vét cháy. Giờ cháo sườn cũng có cửa hiệu đàng hoàng hết cả, người ta ngồi ăn trên những chiếc bàn ghế nhựa khang trang hơn, tiện nghi hơn nhưng hình ảnh bà cụ bán cháo sườn với đôi quai gánh đơn sơ, đôi dép mòn vẹt đi về qua bao mùa mưa nắng vẫn ở trong tâm thức tôi hơn cả một nỗi nhớ.

#yeubep #YêuBếp #EsheepKitchen #Cháosườn #cháotrai

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.

#Gửitimthươngmến Bài viết không phải dự thi. Gửi vị quê hương trong ký ức người xa.