Tết Đoan Ngọ - Nét đẹp văn hóa Việt

🌼🌺TẾT ĐOAN NGỌ - Nét Đẹp Văn Hóa Việt

Tết Đoan Ngọ, hay dân gian quen gọi là Tết giết sâu bọ, tết nửa năm... rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm.

💁‍♀️Hàng năm cứ đến ngày này, nhà nhà lại sắm lễ với các loại hoa quả phong phú như vải, mận cùng những món ăn dân dã như bánh gio, rượu nếp... thơm nồng dâng cúng tổ tiên.

💁‍♂️Người Việt cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết khác nhau về Tết Đoan Ngọ. Đầu tháng 5 là kết thúc vụ lúa chiêm, bước vào đầu vụ mùa. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Thời điểm này sâu bọ phát triển nhiều khiến người dân lo lắng. Và họ đã được một ông lão hướng dẫn lập đàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây. Nhân dân làm theo, lập tức sâu bọ được tiêu diệt. Để tưởng nhớ sự việc, dân chúng đặt cho ngày này là “Tết diệt sâu bọ” có người gọi là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giờ Ngọ.

☘️Đến nay, người Việt vẫn coi trọng ngày Tết này. Cứ đến ngày này, phố phường, làng xóm nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng dậy từ sớm, chuẩn bị vật phẩm cúng tổ tiên như nhiều loại quả dân dã như mận, vải, rồi bánh tro, rượu nếp, thịt vịt, ….Ở một số nơi còn có cả xôi, chè hạt sen, nếp cẩm…là những món ăn không thể thiếu. Dân gian quan niệm rằng đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái để cúng tổ tiên và mong một mùa bội thu.

🌿Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Trái cây được các gia đình lựa chọn trong ngày này là những loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua như: mận, đào, vải, chôm chôm…

🌿Miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế thì không thể thiếu thịt vịt. Lý do người dân chọn thịt vịt mà không phải thịt heo, bò, gà là vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ giải nhiệt làm cơ thể mát cả năm. Tại Huế thì chè kê cũng là món ăn phổ biến của người dân trong Tết Đoan ngọ

🌿Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình nấu xôi chè cúng lễ, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn.

🌿Mâm cúng của người miền Nam thì không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc…

Sau cúng lễ, là tục lệ “diệt sâu bọ”. Vào sáng sớm khi vừa thức dậy, mọi thành viên trong gia đình nhắc nhau không để chân chạm đất, bụng còn rỗng thì ăn một ít rượu nếp cùng với những loại trái cây có vị chua, chat như vải, đào, mận…để diệt trừ “sâu bọ”, phòng bệnh tật. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua, chát sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

🥰Ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt là gìn giữ những phong tục văn hóa hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng tình cảm của người Việt Nam

Em mong những nét truyền thống như thế này ở nước ta không bao giờ bị mai một.

❣️Chúc cho các thành viên Yêu bếp một ngày Tết Diệt Sâu Bọ được vui vẻ, mạnh khỏe và công việc trong năm luôn thuận lợi, gặp nhiều may mắn!

#TếtĐoanNgọ2020

#YêuBếp

Tết Đoan Ngọ - Nét đẹp văn hóa Việt

Tết Đoan Ngọ - Nét đẹp văn hóa Việt