#Thửtháchtết2022 #Đóntếtbiếtđủ# Lần Đầu Gói Bánh Chưng Gù: Gói Bánh Không Khó-Đ

#ThửTháchTết2022 #ĐónTếtBiếtĐủ
# LẦN ĐẦU GÓI BÁNH CHƯNG GÙ: gói bánh không khó-đón Tết đủ đầy.
Lại thêm một cái Tết nữa đang đến thật gần.
Tết đối với mình là nhớ cảnh mẹ tích cóp từng chút một: nào gạo nếp, nào đỗ xanh, nào măng, nào miến, nào mộc nhĩ, nào hạt tiêu, nào bóng, nào thịt, nào lá dong ... và có đứa phải phụ bố mẹ bán lá dong kiếm thêm chút tiền để tiêu Tết.

Tết đối với mình là nhớ cảnh 1 cô chị dẫn đàn em 3 đứa ra chợ mua hoa ngày 30 Tết, chị được bố mẹ cho 1 số tiền nho nhỏ để sắm lọ hoa ngày Tết. Thế là 4 chị em ríu rít ra chợ, chị chọn hoa, em thì đứa được giao cầm thược dược, đứa cầm violet, đứa cầm lay-ơn. Con chị thể nào cũng căn ke giành tiền mua mấy bông xu-xi cắm bàn chông nữa cơ. Nó vốn thích hoa và cắm hoa lắm mà.

Tết đối với mình là hương mùi ( ngò) ngát thơm khắp cả nhà, tắm gội tất niên và rửa mặt sáng mồng 1, mồng 2 Tết bằng lá mùi già đun sôi cảm thấy da dẻ mịn màng, thơm tho hẳn lên.

Ôi, hương vị Tết xưa luôn đọng mãi trong tâm trí mình. Giờ không còn cảnh vất vả tích cóp hàng như ngày xưa. Nhưng mình vẫn lọ mọ làm các loại mứt, vẫn đun nước lá mùi già cho cả nhà tắm gội ngày 30 và rửa mặt sáng mồng 1.

Tết đối với mình là cảnh lũ con quây quần lúc buổi tối bên nồi bánh chưng đang luộc sôi lục bục, vừa chơi tam cúc vừa nướng khoai tây, khoai lang rồi tranh nhau ăn. Ôi chao! Ngon và vui lắm! Cuối cùng chả đứa nào chờ được đến lúc nửa đêm vớt bánh mà chỉ cố dặn dò bố mẹ trước khi ngủ:" nhớ phần con chiếc bánh chưng nhỏ nhất nhé". Bánh này được háo hức chờ đón nhất vì được ăn trước tiên, bánh to còn phải để thắp hương cúng tổ tiên đã. Có thể nói nồi bánh chưng là linh hồn của cả Tết xưa và nay.

Riêng khâu gói bánh, mình chưa phải gói bánh bao giờ, toàn chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu để bác mình gói. Rồi đi lấy chồng thì bố chồng luôn đảm nhiệm phần việc gói bánh trong lúc đó mình đi làm các việc khác. Ấy vậy mà hôm nay, ngày 20 tháng chạp năm Tân Sửu, nhân thể mọi người trong nhà đang đi vắng vì có công chuyện, nhà thì đang nhiều gạo nếp, đỗ xanh, mình tự dưng nảy ra ý định gói thử loại bánh chưng be bé mà người dân tộc miền núi hay gói ăn xem sao: bánh chưng gù.
Vội vàng ngâm gạo, ngâm đỗ, sau đó mình phi vội ra cái chợ cóc gần nhà thì thấy mới chỉ có ít lá dong được này bán, chưa có lạt, Mình mua ít lá dong rồi quay về tận dụng lại lạt mình vẫn tích cóp lại mỗi lần mua hoa. Biết đủ thì sẽ đủ đây mà. Hihi.

Sau khi ngâm gạo, ngâm đậu, ướp thịt, rửa lá mình cũng hì hụi gói được 13 cái.
Mới qua mấy ngày đã hết vèo. Nhà mình để dành bánh dâng bánh thắp hương ông Công ông Táo và giờ đã hết nhẵn rồi. Mọi người gật gù khen làm mình thấy vui quá. Lũ con bảo: "mẹ chuẩn bị mẻ tiếp theo để con gói với". Coi như mới thử nghiệm gói bánh chưng gù đã thành công. Trên đà này, có khi mấy hôm nữa mình sẽ thử nghiệm gói bánh chưng vuông truyền thống thay bố chồng xem sao.
Mình xin chia sẻ lại cách gói bánh chưng gù đơn giản mà vẫn thành công ngay lần đầu của mình nè.
A/ NGUYÊN LIỆU:
- Gạo nếp (loại nếp cái hoa vàng là ngon nhất): 01kg;
- Thịt lợn (heo): 350g, thịt ba chỉ để gói bánh chưng là hợp và ngon nhất nhưng nhà mình có người không ăn được mỡ nên mình chọn thịt nạc vai (nạc dăm).
- Đậu xanh bỏ vỏ: 300g;
- Muối trắng (loại muối hạt to): 2 thìa cà phê
- Lá dong cỡ to: 15 lá
- Lạt buộc: 1 bó
- Gia vị: mắm, muối, hạt tiêu đã rang và xay nhỏ, hành khô
Lượng nguyên liệu này mình gói được 13 cái bánh chưng gù.
B/ CÁCH LÀM:
1/ Sơ chế nguyên vật liệu:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm một ít muối trong 6- 8 tiếng, sau đó vớt ra để thật ráo nước. (nếu thích bánh xanh hơn có thể ngâm gạo cùng với với nước cốt lá dứa + một ít rau spinach/ rau ngót hoặc nước cốt lá riềng giã nhỏ). Cho vào 1,5 thìa cà phê muối hạt, xóc gạo lên thật đều cho muối bám đều vào gạo.
- Đậu xanh vo sạch, ngâm nước+ chút muối trong 3- 4 tiếng, sau đó vớt ra để ráo. Cho vào nốt 0,5 thìa cà phê muối hạt, xóc đều.
(Có một cách khác khi nhà mình gói bánh chưng to truyền thống là nấu chín đậu bằng cách: cho đậu vào nồi, nước phủ bề mặt đậu, nêm vào chút muối và nấu đậu trong khoảng 15-20 phút. Đậu chín lấy muôi nghiền nhuyễn khi đậu còn nóng, nắm đậu thành cách nắm tương ứng với các phần nhân và số lượng bánh định gói. Bố mẹ chồng mình vẫn bản đậu nấu chín thì nhân thơm ngon hơn). Tuy nhiên, mình chọn cách để đậu sống cho nhanh và cũng muốn thử nghiệm xem so với nhân bánh làm từ đậu chín thì nhân nào ngon hơn . Hi hi.
- Thịt lợn rửa sạch thái từng miếng dài, ướp thịt với chút muối, nước mắm, hạt tiêu, hành khô bằm nhỏ, ướp trước khi gói bánh tầm 30 phút là được, sau đó gạt bỏ hết phần hành kho đã ướp ra, không gói vào nhân vì dễ làm thiu nhân.
- Lá dong rửa sạch, lau khô ráo, tước bỏ gân lá.
- Lạt buộc bánh ngâm nước ấm tầm 15 phút để lạt mềm dẻo dễ buộc.
Nếu không có dong, dùng lá chuối để gói thì bạn rửa sạch lá chuối, chần qua nước sôi và lau khô ráo.
2/ Gói bánh:
- Trải lá dong ra mặt phẳng (mâm, khay hay đĩa to hoặc cái thớt).
- Mình dùng một muôi (muỗng) to để xúc gạo và 1 thìa nhỏ để xúc đậu sao cho các bánh có trọng lượng đều nhau.
- Xúc 1 muôi gạo vào lá dong, rải đều ra rồi xúc 1 thìa đỗ xanh, tiếp đến gắp 1 miếng thịt rải lên trên đỗ.
- Tiếp tục phủ 1 thìa đỗ xanh lên trên thịt, rồi phủ 1 muôi gạo nếp lên trên lớp đỗ xanh. Chú ý dàn đều các lớp sao cho khi gói lớp gạo phủ kín lớp đỗ, lớp đỗ phủ kín miếng thịt, thế là đạt yêu cầu.
- Túm lá lại, gấp 2 mép miếng lá dong vào nhau, gập xuống 3 lần rồi gập 2 đầu lại, buộc lạt vào là xong.
(Mọi người xem hình chụp kèm theo để dễ hình dung cách gói nhé).
3/ Luộc bánh:
- Các cọng lá dong mình lót dưới đáy nồi, xếp bánh lên trên, căn sao các bánh sát nhau, dội nước sôi vào cho ngập bánh và đem luộc trên bếp với lửa to. Đến khi bánh sôi đều thì giảm nhỏ lửa, cứ để bánh sôi đều, khoảng 30-45 phút lại kiểm tra bếp, cho thêm nước sôi vào để đảm bảo nước luôn ngập bánh, tránh tình trạng bánh chín không đều, lại gạo. Mình luộc bánh được 3h45 phút thì có việc phải đi nên phải tắt bếp cho nên bánh chưa được rền cho lắm. Lần sau rút kinh nghiệm phải để bánh luộc 4h30 phút.
- Tắt bếp, vớt bánh ra rửa ngay bánh trong thau nước lạnh để vỏ bánh sạch sẽ, đỡ mốc sau này. Treo bánh nơi khô ráo. Bánh chưng gù thì không cần ép như bánh chưng truyền thống.
Măm thôi.

Tết đến Xuân về xin chúc đội ngũ Admin và tất cả thành viên YÊU BẾP hưởng trọn một mùa xuân An lành, ngập tràn Hạnh phúc.

#Ươmmầmvuimới #TếtSốngXanh
-------------------------------------------
Mọi hình ảnh và nội dung bài viết tham dự Thử Thách “Đón Tết Biết Đủ” đều thuộc bản quyền của nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family).
Các đơn vị truyền thông muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.