#Thửtháchtết2022 #ĐóntếtbiếtđủNồi Bánh Chưng Rưng Rưng Tuổi Già.

#ThửtháchTết2022 #ĐónTếtBiếtĐủ

Nồi bánh chưng rưng rưng tuổi già.

Có thể là sự ngẫu nhiên nhưng bánh chưng Hà Nội đem rán giòn sau Tết luôn thu hút lạ kì. Cái nhỏ xinh vừa vặn của mỗi chiếc bánh lại tạo ra một chiếc bánh chưng rán với độ ngon hoàn hảo, lớp vỏ giòn, bên trong dẻo, hoàn toàn không ngấy thừa vị Tết. Bánh chưng rán giờ đây không chỉ có vào dịp Tết mà còn có vào những ngày đông Hà Nội. Dọc các con phố, các khu chợ không khó để tìm chiếc mâm nhỏ đang xì xèo mỡ rán bánh, nào là bánh chưng xào dưa bò Phạm Hồng Thái, bánh chưng rán chợ Đồng Xuân, bánh chưng rán vỉa hè Hàng Vôi… Những hàng quán bán bánh chưng rán thường xuất hiện quanh các cổng trường cấp một, đồ nghề chẳng nhiều nhặn gì, chỉ độc chiếc mâm cũ với một bếp lò nhỏ, ấy vậy mà bánh chưng rán luôn đông khách. Cũng vì cái bánh chưng vuông bé xíu xiu ấy là hình ảnh về Tết ở Hà Nội đã quá sâu đậm trong kí ức nhiều thế hệ nên dù thời thế thay đổi, nhiều gia đình Hà Nội vẫn luôn duy trì việc gói bánh chưng.

Chẳng thế mà ngay cả khi bánh chưng đã trở thành món ăn được bán ê hề ngoài chợ, từ những gánh hàng rong ngoài đường cho đến nhà hàng cao cấp, từ một cái vẫy tay cho đến một cú điện thoại nhanh chóng tiện lợi, nó vẫn là món ăn được mẹ trông đợi mỗi dịp Tết đến xuân về. Chẳng phải chỉ độc mỗi việc ăn. Vì sự hiện diện của nồi bánh chưng nhiều hơn một chữ no đủ, nó là sự hiện diện của sự đủ đầy những thành viên gia đình, hiện diện của sự sum vầy - cái thứ khó đủ trong thời bình. Nồi bánh chưng không khói mà cay mắt, mà rưng rưng lòng, nồi bánh chưng không có ánh lửa bập bùng giữa phố phường hiện đại lại là sự thôi thúc trở về của những bước chân xa nhà, là thứ keo gắn kết các thế hệ gia đình, chắp nối vị tết xưa và nay.

Chiếc bánh chưng của người tù ngày hoàn lương như một sự khởi đầu mới mẻ. Chiếc bánh chưng thưởng cuối năm của người công nhân mang hương vị sung túc. Chiếc bánh chưng trên đất khách quê người đau đáu mùi vị tình thân. Chiếc bánh chưng đã gói và mở ra rất nhiều những mùi vị và mộng ước trong đời. Ở đó có tâm tư người gói, có nguyện ước của người mở nhưng sẽ không bao giờ đủ đầy nếu chiếc bánh chưng ấy không có mùi vị của sự đoàn viên ngày Tết.

Có rất nhiều thứ chúng ta một khi bước qua rồi thì sẽ đánh mất mãi mãi, giống như cậu bạn người Nepal của tôi đã nói với tôi về mối tình đầu, rằng có những mối lương duyên trong cuộc đời này một khi đã bỏ lỡ là sẽ bỏ lỡ một đời. Xã hội ngày càng hiện đại, người ta nói nhiều về những thứ cần phải thay thế và vứt bỏ. Thế nhưng có những người phụ nữ giống như mẹ tôi vẫn luôn trông đợi những ngày lễ Tết cổ truyền, bởi có những thứ một khi vứt bỏ rồi, người ta sẽ mất đi một nửa linh hồn. Chiếc bánh chưng mẹ gói cũng chỉ có gạo, có đỗ, có thịt mỡ qua năm này tháng nọ, nhưng mùi vị của nó không thể tìm thấy ở đâu, cho dẫu ngoài kia, có những thương hiệu nổi tiếng ngon thế nào.

Chậu quất anh mua đã lên đèn. Mấy chậu thuỷ tiên chị tỉa đã chúm chím trong gió xuân. Nhưng vị của Tết nhà chỉ thật sự đượm nồng kể từ lúc cô hàng rượu đưa lá dong đến nhà. Mùi vị của Tết chưa bao giờ trọn vẹn khi thiếu đi nồi bánh chưng của mẹ. Bố vẫn sẽ mở nhạc Chế Linh và nghêu ngao hát khi rửa lá trong sân, mẹ vẫn sẽ tất bật đãi đỗ, vo gạo, nồi bánh chưng vẫn sẽ bắc lên mỗi chiều 28 Tết. Để nấu được nồi bánh chưng nào đâu đơn giản, của một đồng mà công một lượng. Mỗi chiếc bánh chưng gói vào lòng biết bao nhiêu những nhọc nhằn, cay đắng của mẹ cha. Ngày xưa chăm chỉ cả năm để dành cho được nồi bánh chưng có thịt cho con cái no đủ ngày Tết. Ngày nay dẫu đủ đầy vật chất, chiếc bánh chưng lại gói hết những nhớ thương của mẹ cho những đứa con đi xa mãi chưa về. Mỗi nồi bánh chưng ngày nay nhóm lên những nỗi niềm sâu kín trong màn đêm hiu quạnh, lẻ loi của tuổi già. Khoảng cách thế hệ bỗng nhiên gần mà xa, âm ỉ cháy trong chính nồi bánh chưng sum vầy ấy. Đám thanh niên bây giờ chỉ muốn Tết đến để nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch cùng bạn bè, chẳng còn thích bày biện cỗ bàn, lích kích ngồi gói thứ bánh mua đâu chẳng có này nữa. Ăn mấy đâu, gói để mà làm gì?

Rồi mẹ vẫn cứ gói mỗi độ xuân về, chẳng nhiều thì ít, chẳng bếp củi thì bếp than, bếp ga rồi đến bếp từ. Thứ bếp nào chẳng thế, nồi bánh chưng vẫn hồng lên thứ tình yêu thầm lặng của mẹ… Nồi bánh chưng rưng rưng giữa phố, nồi bánh chưng rưng rưng tuổi già.

#TếtSốngXanh #ƯơmMầmVuiMới #YêuBếp #EsheepKitchen

“Mọi hình ảnh và nội dung bài viết tham dự Thử Thách “Đón Tết Biết Đủ” đều thuộc bản quyền của nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family). Các đơn vị truyền thông muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.”