Thử thách Tết Biết Đủ: Pha ke để sống xanh và vun trồng kỉ niệm

#ThửtháchTết2022 #ĐónTếtBiếtĐủ

Vượt khó đón Tết hay vượt thừa thãi để đón Tết?

Mình đã suy nghĩ rất nhiều về chủ đề của thử thách năm nay. Và trước khi nó thành thử thách của YB thì nó đã là thử thách của mình rồi.

Các bạn theo dõi mình lâu thì biết rằng mình nổi bật lên trong cộng đồng ở Đức với những bài viết về món ăn pha ke. Mình pha ke từ bánh chưng, măng, trứng vịt lộn, chả rươi, rượu nếp cho tới nước sấu, nước vối… pha ke nhiều tới nỗi có một em gái kể chuyện em ấy nằm mơ thấy mình lấy quả bí, đục lỗ pha ke nó thành củ sen rồi hút chân không 🤣 Mình đã ám ảnh cả một thế hệ sinh viên với các món đồ pha ke 😅 - hoá ra làm KOL là thế các bạn ạ.

Về căn bản là mình dùng pha ke để bù đắp cái thiếu. Thiếu nguyên liệu, thiếu xoong chảo chuyên dụng, thiếu kiên nhẫn… cái này đúng nhưng cũng không hoàn toàn đúng.

Berlin là một trong những thành phố có đông người Việt Nam nhất châu Âu. Nếu mình muốn đón một cái Tết thuần Việt, mình hoàn toàn có thể mua lá dong, đỗ xanh, gạo nếp, dây lạt để gói bánh chưng. Nếu chơi sang mình thậm chí có thể đặt mua lá riềng từ các nhà vườn của Đức hay Hà Lan để làm bánh chưng lá riềng. Mình có thể mua cành đào, cây quất, thậm chí cả cây phật thủ. Mình có thể mua áo dài, khăn xếp cho cả nhà, thuê múa lân cho cả phố xem… chẳng có gì là không thể cả - nếu muốn đủ, muốn rực rỡ, muốn bão like...

Ở đây thật ra mình chẳng thiếu cái gì cả. Vậy mình pha ke món ăn để làm gì?

Khi bắt đầu chơi insta mình hoàn toàn vô tư thôi, mình phổ biến những cái mình biết cho các bạn khác. Nhưng về sau khi mình thấy nhiều bạn nấu ăn theo mẹo của mình, mình cảm thấy mình có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người. Khi mình thay gạo nếp bằng yến mạch nguyên hạt để nấu rượu nếp, đã có ít nhất 2 bạn làm theo mình. Khi mình dùng cây đại hoàng bản địa để ngâm sấu pha ke, lúc ấy nhiều followers hơn, có 20 bạn làm theo. Khi mình tận dụng cuống anh đào thay lá vối rồi viết nó vào sách, sẽ có 200 bạn biết tới mẹo này rồi làm theo chẳng hạn… như vậy mình đã tiết kiệm được 2kg gạo nếp, 20kg sấu, 200 bịch lá vối theo đường biển, theo đường hàng không đi từ VN sang Đức. Mình cũng không phải chuyên gia để tính ra được như thế là tiết kiệm được bao nhiêu kg CO2 thải ra không khí. Nhưng mình tin rằng, những nỗ lực nhỏ nhoi của mỗi cá nhân khi được lan toả ra cộng đồng, một ngày nào đó sẽ góp phần thay đổi được thế giới. Ít CO2 thải ra không khí, hạn chế những hàng hoá, di chuyển không cần thiết là một trong những trọng tâm cốt lõi của sống xanh.

Mình pha ke đồ ăn để bù đắp sự thiếu thốn, nhưng cũng là để chống lại cám dỗ của sự đầy đủ mọi người ạ.

Khi đưa một miếng trám kho vào miệng, lùa theo một và cơm nóng, kỉ niệm tuổi thơ với những bữa ăn bên cửa sổ ùa về thì kỉ niệm ấy là quý giá chứ không phải là quả trám. Vậy nên bạn nghe mình, thử dùng quả ô liu kho thịt mà xem, nó cũng sẽ mua cho bạn một vé về tuổi thơ. Đại hoàng chua, giòn, sần sật sẽ nhắc bạn nhớ về những trưa hè nắng gắt tạt vào hàng chè gọi một cốc sấu đá. Trà cuống anh đào sẽ làm bạn nhớ tới chuyến về quê ra mắt bố mẹ người yêu cũ, tay cầm bát nước vối, tay cầm chổi quét sân.

Có lần mình đi xin visa để du lịch Israel. Anh bảo vệ ở sứ quán Israel hỏi "em lấy chồng bản địa à" làm mình sững ra 2 giây. Trong đầu mình luôn nghĩ chồng là "yếu tố nước ngoài", mình mới là dân bản địa xịn - nhưng hoá ra nước ngoài ở đây là bản địa còn bản địa thì đã thành nước ngoài. Hàng Việt Nam là hàng nhập ngoại đắt tiền còn hàng Đức lại là hàng nội địa ngon bổ rẻ. "Ta về ta tắm ao ta" có thể hiểu theo một cách hoàn toàn khác.

Mình đã viết rất nhiều bài về đồ ăn chế biến từ các nguyên liệu "ao nhà", hôm nay tổng hợp lại vài món để làm cỗ Tết nha mọi người ❤️

#Ươmmầmvuimới #TếtSốngXanh

Mọi hình ảnh và nội dung bài viết tham dự Thử Thách “Đón Tết Biết Đủ” đều thuộc bản quyền của nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family). Các đơn vị truyền thông muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.