Xin chào các bạn, các em! Mình là thành viên mới tinh của nhóm, vừa biết nhóm qua con

Xin chào các bạn, các em! Mình là thành viên mới tinh của nhóm, vừa biết nhóm qua con gái mình giới thiệu. Khi vào nhóm xem, mình rất thích các bài viết của các bạn trong nhóm, cảm thấy nhóm không chỉ là sân chơi lành mạnh bổ ích dành cho những ai yêu bếp, mà còn là nơi để cùng chia sẻ tâm tình. Mình vô cùng cảm kích nên xin được gửi nhóm bài viết đầu tiên xem như lời chào! Cảm ơn các bạn!

[Dưa cải - Giữ chút tình quê để nhớ người...]

Bà ngoại ơi! Mỗi lần làm dưa cải, con nhớ ngoại vô cùng! "Con chạnh lòng thương mảnh trời rơi trong chiếc vại" (Thơ Mạc Phong Tuyền). Con nhớ cái khạp màu da bò của nhà mình, quanh năm ngoại làm dưa giá, dưa cải dưa cà, có khi là dưa môn để ăn, để cho và để bán.

Dưa cải là món ăn dân dã thường ngày, và nó không phải là thứ để chế biến những món ăn sang. Nhưng sang chưa chắc đã ngon, mà quan trọng là dưa cải nó làm cho người ta ghiền, ghiền cái mùi nồng nồng chua chua, lại có "chức năng" kích thích vị giác và dễ tiêu hóa. Dưa cải là món khoái khẩu của người quê chân lấm tay bùn, và nhiều khi nó cũng có mặt trên những mâm cao cỗ đầy, trịnh trọng của nhiều gia đình người dân ở nhiều vùng miền khác nhau. Món thịt kho tàu béo ngậy, kho chung với hột vịt và nước dừa xiêm mà khi ăn thiếu dưa cải kèm theo thì sao mà ngon tới đỉnh cho được! Các món nướng, món chiên, món xào nhiều dầu mỡ thì cần phải có dưa cải song hành để trung hòa cái béo. Rồi món dưa cải kho với heo quay, vịt quay, dưa cải nấu với các loại cá. Món sườn non heo, hay thịt bò bằm nấu canh dưa cải cà chua, nêm rau om ngò gai, thêm vài lát ớt, hành phi, ăn đi mà nghe cảm giác ngon nó "thấu đến sơn cùng thủy tận". Và nếu tìm hiểu thêm về ẩm thực thì còn có hàng trăm hàng ngàn món ăn được chế biến từ dưa cải.

Thiệt tình là mình đã ăn dưa cải đến mòn răng từ nhỏ cho tới già, biết làm dưa cải theo nghề truyền thống của bà ngoại mình truyền lại, rất giản đơn và dễ làm: những cây cải "tù xại" (tên của cải để làm dưa) mua về để nguyên, phơi nắng cho héo rồi rửa sạch từ trong ra ngoài, ráo nước là xếp cải vô khạp, sắp lớp thứ tự rồi nấu nước muối đường (ngày xưa xài đường thùng, đường mía có màu vàng tự nhiên), cho thêm nước gạo vo, gài vô cho ngập mặt, dằn thêm cục đá to để cho cải không bị nổi lên mặt nước, (sợ bị nhũn, bị khú). Đậy nắp khạp lại sau bốn ngày là có dưa cải vàng rộm và giòn khướu, nhìn thôi cũng đủ thèm. Làm khạp dưa thứ hai muốn mau chua thì lấy ít nước chua của khạp thứ nhất cho vào. Tuyệt đối không có chất phụ gia điều vị gì hết, chẳng hạn như chất vàng ô, chất bảo quản hoặc hàn the, hoặc axit gì đó như bây giờ chợ Kim Biên bán đầy, người ta sử dụng thêm cho cải mau chua và để lâu không hư, nhưng rất độc hại! Cách làm của ngoại tôi là rặt kiểu Nam bộ, không có hành, chỉ có muối đường và nước gạo vo thôi, nhưng không bao giờ bị khú. Và nó sẽ chỉ bị khú khi trong nhà có đứa gái nào đến kỳ kinh nguyệt mà bén mảng tới nó, (điều này không giải thích được tại sao).

Ngày xưa trong gian bếp của ngoại tôi, mấy cái khạp da bò xếp hàng để làm dưa các thứ, hình như nó đứng đó lâu lắm, từ khi tôi còn nhỏ cho đến khi mình thành một cô gái. Rồi "bỏ nhà bỏ cửa bỏ quê" để "đếm bước giang hồ". Bây giờ mình làm dưa cải trong keo thủy tinh, cảm giác không ngon bằng làm trong những cái chum, cái khạp da bò bằng đất nung ngày xưa ấy.

Những khi chật vật áo cơm, tôi nhớ ngoại mình với khạp dưa cải, ngoại đã vun vén lo toan cho bầy cháu được đủ đầy ăn học. Trong nhiều nghề cả một đời của ngoại, có nghề làm dưa cải đi bán. Thuở tôi học "lớp Năm", (là lớp Một bây giờ), trường làng là một ngôi đình nghèo nằm cạnh con lạch nhỏ, có cây cầu bắc qua, bên kia là một ngôi chùa cũng nghèo. Địa danh quen thuộc người dân quê tôi gọi là "Cầu Chùa". Cầu chùa có ngôi trường đình, hay trường đình có cây cầu chùa thì làng tôi ai cũng biết. Và cầu chùa có bà Tư dưa cải! Nơi ấy ngày hai buổi, lũ nhỏ chúng tôi ôm cặp đến trường, kiếm con chữ vỡ lòng. Tuy nghèo nhưng nhà đứa nào cũng có khoai lang chuối luộc, đậu phộng, bắp, cóc ổi mận xoài mang theo để giờ ra chơi cùng ăn chung cho vui. Riêng tôi hay chạy về nhà, lén "bà Tư dưa cải" mở khạp "ăn cắp" một cây dưa to (bà Tư biết nhưng làm lơ không rầy la gì hết). Nước chảy lòng thòng lển thển vậy đó, mà gói cây dưa trong miếng lá chuối khô, chạy u đến bên hiên đình, chia cho mỗi đứa một bẹ, ăn không vậy thôi mà đứa nào cũng nhai ngấu nghiến, rùm rụm rần rật ngon lành. Bút mực nào tả được cái ngon và cái vui của lũ chúng tôi lúc ấy?! Nó đã thành kỷ niệm, để lâu lâu về quê, gặp lại bạn mình đứa còn đứa mất, rủ nhau thăm lại trường đình, là cái trường và cũng là cái lớp duy nhất ngày ấy. Phấn trắng bảng đen nhỏ xíu, khi viết chữ A, đứa nào cũng phải hả họng thật lớn “Aaaa". Khi viết chữ O, thì cái mỏ cũng phải vo tròn cho thiệt tròn chữ "Oooo”. Đứng đó tại trường đình, tôi cùng bạn đều có chung cảm giác nhìn thấy bên góc đình lô nhô những mái đầu đen thơ bé cùng ăn dưa cải, cùng ăn quà vặt quê mùa. Thời gian trôi quá nhanh, những mái đầu xanh giờ bạc trắng!

Chiều nay nhà hàng xóm (có gian bếp đâu đít với gian bếp nhà tôi) có cô Bắc kỳ bự bự (không phải cô Bắc kỳ nho nhỏ đâu) nấu canh dưa chua với cá, chắc chắn có chút rau thì là, "mùi hương hàng xóm bay đầy mái Đông" làm tôi đói bụng muốn chớt. Thiệt tình tôi cũng rất thích dưa cải chua muối theo kiểu Bắc, có hành có gừng gì đó mà nó thơm vô cùng. Hương vị chua nhưng còn nồng nồng cay cay, ăn rất hấp dẫn. Tôi muốn một lần muối dưa theo kiểu Bắc, mà không biết học "nghề" của ai đây? Bạn bè người quen của tôi dân xứ Bắc cũng nhiều, nhưng người ta chưa chỉ cho mình. Có khó lắm không, muối dưa theo kiểu Bắc hở các bạn? Chỉ cho tôi đi, "xong rồi tôi sẽ trả công", thiệt mà!

Và cũng chiều nay, con gái rủ mẹ đi ăn tiệm, mưa Sài Gòn chợt đến khá lớn, mưa “khóa chân" làm mình mất hứng đi ăn. Lục trong tủ lạnh còn mấy trái cà chua, một ít thịt ba chỉ, hành ngò và dưa cải, tôi nấu nồi canh dưa, thêm mấy con tôm khô, có gì nấu nấy, nhưng thiếu chút rau om ngò gai nên thiếu ngon. Thôi kệ!

Có những khi liên tục vài hôm được dự những buổi tiệc tùng đầy ắp các món ăn ngon, tôi lại thèm thuồng những bữa cơm chỉ món canh dưa cà giản dị, đạm bạc, bình dân. Món canh dưa cà có cá có thịt thì dưa cà cũng không sang trọng, có lẽ nó gắn bó với nghèo khó giản đơn nên người ta khó quên, càng xa càng nhớ!

Xin mượn mấy câu thơ trong bài "Giang hồ" của thi sĩ Phạm Hữu Quang:
"Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"

Có ai đó xin sửa lại câu cuối:
"Nghe khói canh dưa lại nhớ nhà..."

Và trong tôi mãi mãi còn hình bóng quê nhà, dáng liêu xiêu của ngoại tôi và nồi canh dưa cải chiều hôm mưa rỉ rả!

Mỹ Dung
010620

Xin chào các bạn, các em! Mình là thành viên mới tinh của nhóm, vừa biết nhóm qua con

Xin chào các bạn, các em! Mình là thành viên mới tinh của nhóm, vừa biết nhóm qua con