Ăn gì cho mát mùa hè?

ĂN GÌ CHO MÁT

Thường nóng nực thế này chúng ta muốn tu nước đá ừng ực cho bõ sướng. Nhưng thực ra cơ chế làm mát cơ thể không trực tiếp như vậy. Để ăn uống cho mát thì cần lưu ý TÍNH của thực phẩm.

“Tính” ở đây chỉ năng lượng của thực phẩm, chứ không chỉ đặc tính vật lý.

Vd quả mít, xoài, ớt, mật ong, sờ vào chẳng thấy nóng, nhưng ăn vào sẽ làm cơ thể nóng lên, (Đông y gọi là tính nóng). Nước dừa, sắn dây, hoa cúc chạm vào không thấy lạnh, nhưng uống vào sẽ giúp tản nhiệt làm mát cơ thể (đông y cho rằng chúng có tính lạnh/ mát).

Mùa hè có nước dừa và nước mía là phổ biến.

Nước dừa thì giải nhiệt tốt nhưng nó có mặt trái. Nếu uống ngay khi người còn nóng, đổ mồ hôi, uống đêm khuya, uống quá nhiều hay thêm đá lạnh, sẽ khiến cơ thể bị âm đột ngột, hạ huyết áp, mềm yếu gân cơ, dễ gây trúng gió, đầy bụng, sốt cao, sảy thai. Nước mía cũng mát mà không lạnh như nước dừa nên lành tính hơn.

Còn nước đá hay kem ăn thì bao phê mát lạnh sảng khoái về mặt vật lý nhưng chúng không giúp làm mát cơ thể về mặt năng lượng, trái lại gây tổn hại chính khí, suy yếu nội tạng.

Ngoài TÍNH của thực phẩm thì lưu ý loại ĐƯỜNG.

Đường hoá học hay đường trắng tinh luyện thẩm thấu vào máu quá nhanh, làm cơ thể nóng lên, máu đặc hơn, não bộ sẽ phải truyền tín hiệu khát nước để cơ thể được bù nước nhằm cân bằng lại nồng độ máu. Nên dùng các loại đường ấy, hay các loại nước ngọt công nghiệp đóng chai thì nhanh thấy khát nước và người nóng lên.

Ngoài ra các loại chè sen, chè đỗ đen, tổ yến mà nấu, chưng với đường trắng hay đường phèn tẩy trắng công nghiệp thì cũng bị giảm tính mát, giảm dược tính. Ngọt mà mát nhất và bổ tỳ, phế thì chỉ có đường phèn kết tinh tự nhiên từ mật mía, nó không gây khát hay chua miệng.

Ảnh: dưa bở dầm đường phèn cát.

Ăn gì cho mát mùa hè?