Mứt mận tách hạt
Sắp hết mùa mận nên tranh thủ làm ngay các chị em nhé. Không là mình lại phải hẹn hò mùa mận năm sau.
Sau khi làm rất nhiều mẻ mận, em có một vài kinh nghiệm để làm mứt thành công như sau
Thứ nhất, chọn mận cứng quả, nhà em không thích ăn hạt nên đây là một yếu tố cơ bản nhất để thành công cho món mận tách hạt. Em có video tách hạt ở ảnh gần cuối nha.
Thứ 2, khứa mận, dù khứa dọc, khứa ngang, khứa chéo, khứa sò hay đường khứa bất kỳ nào thì cũng cần khứa đều tay, không cắt đường khứa vào nhau, không khứa hết tận hai đầu trái mận không rất dễ bị nát. Đường khứa càng đều, nhỏ thì càng đẹp.
Thứ 3, ngâm đường, em ngâm theo tỷ lệ 2 mận 1 đường, ai thích ăn hơi có chút chua là tỷ lệ này khá chuẩn, nhà em thích ngọt nên lúc sên sắp xong em thêm 2 chén uống trà mật ong, mận bóng hơn, thơm và ngọt hơn. Thời gian ngâm đường từ 12 đến 18 tiếng. Ngâm lâu nước mận tiết ra nhiều hơn, đường ngấm kỹ hơn và sên sẽ đỡ bị chua hơn ạ.
Thứ 4, khi sên mận không cần cho nước quá nhiều, và mận chỉ xếp 1 lớp, không đảo mận mà dùng đũa lật từng quả mận cho đỡ nát. Em làm không nát trái nào luôn.
Thứ 5, với kiểu phơi nắng tự nhiên như của em, khi nhiệt độ không đủ cao, em bật quạt hong gió qua đêm luôn.
Sau 2 lần đầu làm mận chưa đẹp lắm vì chưa biết cách khứa và sên, đến bây giờ mứt mận của em bất bại luôn.
Công thức 2 mận - 1 đường (2kg mận, 1kg đường nha), thêm 1 nhánh gừng, 2 chén mật ong.
Cách làm mận rửa sạch, để ráo nước, sau đó tách hạt hoặc không thì tùy mọi người.
Khía mận theo chiều dọc, chiều ngang, xiên, chéo đều được, miễn sao đường khứa đều, không khứa vào nhau, và không khứa đứt đường cắt trái mận, và tránh khứa tận 2 đầu quả mận vì sẽ dễ bị nát. Khâu khứa rất quan trọng để cho ra trái mận dáng đẹp, đều.
Sau khi khứa xong, đổ đường ngập mận theo tỷ lệ 2 mận1 đường. Ngâm mận khoảng 12-18h, ngâm mận càng lâu mận tiết nước càng nhiều, mận hơi teo là đưa đi đun được.
Đảo đều lớp đường dưới đáy nồi mận trước khi đun, bắc nồi mận ngâm sau 18h lên bếp, đun sôi tầm 5 phút.
Gừng tươi cho vào máy xay sinh tố hoặc máy ép, hoặc giã tay bằng cối, vắt tách riêng nước và bã gừng.
Múc mận sang chảo sên, cho nước mận trong nồi vừa đun sôi sang chảo sên ngập 12 quả mận, đổ nước gừng vào và đun với nhiệt bình thường.
Khi mận sắp cạn, đổ 2 chén mật ong vào sên nếu muốn ăn ngọt, còn thích ăn chua thì sên nguyên nước ngâm mận như trên.
Khâu sên mận cũng rất quan trọng, mận chỉ để 1 lớp, không đè lên nhau, không đảo mận kẻo bị nát. Thi thoảng dùng đũa gắp để đảo mặt trái mận trong chảo và đổi vị trí trái mận giữa chảo và trái mận bên ngoài cho đều độ chín và nhiệt.
Trái mận khi bắt đầu sên có màu nâu, chuyển sang màu đỏ, khi nào ngả sang màu hơi đen là được, khi đó đường trong chảo còn sền sệt và gần như cạn hết, lúc này phải để ý nhiệt không đường trong chảo dễ bị cháy khét.
Vớt mận ra để gác vào rổ lỗ hoặc vật đựng có thể chảy bớt nước được (mình gác luôn lên vỉ vớt nem cho nước chảy bớt xuống nồi nước đun).
Nước đun mận, mọi người hay gọi là siro, để nguội cho vào hũ thủy tinh cất ngăn mát tủ lạnh dùng dần ạ.
Sau đó cho bã gừng vào sao hoặc xấy trong lò cho khô, nếu không khô gừng rễ bị mốc ạ, sao khô gừng cũng bớt độ cay .
Đặt mận lên vỉ phơi, mình phơi bằng mâm nhôm cho bắt nhiệt độ tốt. Ban ngày phơi ngoài trời nắng, để nơi cao ráo, sạch sẽ cho đỡ bị bẩn trái mận, hoặc tránh côn trùng, tối đến cho vào bật quạt hong khô, đến sáng lại đem phơi.
Muốn ăn mận khô, dai thì phơi 4 ngày, nếu ăn vừa tới thì phơi 3 ngày.
Mận thành phẩm để vào hộp cất ngăn mát ăn dần.
Chúc mọi người thành công nha.
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây