Ốc Luộc Nhớ Thương: Nỗi Lòng Người Xa Quê
hay là nỗi lòng của người xa quê hương đi khắp thế gian mò ốc bắt cua
Nói đến ốc luộc, rất nhiều người nhất là phái nữ đã nghĩ ngay đến nào nước chấm với sả, với gừng, với lá chanh, với ớt, nào bát nước ốc ấm sực những ngày đông. Các bạn nam thì thường liên tưởng đến những bữa rượu ốc, vẫn dắt gái đi tán được mà vẫn khoái khẩu mình.
Còn tôi, một người sống ở miệt Trung Âu, nghĩ đến bát ốc luộc thì chỉ biết thở dài thèm rỏ dãi. Mặc dù trên đất Đức vốn có cộng đồng người Việt rất lớn và phần đông là người gốc Bắc, thực phẩm Việt Nam gi gỉ gì gi cũng có. Cách đây hơn chục năm bạn tôi từ Anh sang chơi, được chén lòng lợn mắm tôm với các loại rau thơm thoả thích, thốt lên rằng: thế này thì chả cần về Việt Nam để ăn món Việt. Nhưng riêng ốc tươi và là ốc đồng, ốc ao, ốc đá, ốc mít, ốc nhồi, ốc bươu thì không nơi nào ở châu Âu có được. Cho dù bạn có lá chanh tươi, có gừng có sả, có nước mắm Phú Quốc loại hảo hạng nhất. Cái thứ thịt ốc đông lạnh được xuất từ quê nhà sang ăn vừa dai vừa tanh, mua về chỉ tổ bực mình.
Người con gái gốc Việt lên cơn thèm bát ốc luộc, tô bún tô miến ốc nóng thì phải làm sao. Thế là lọ mọ chân trời góc bể, xứ nào dừng chân mà có khả năng “đánh bắt” là không ngại ngần mon men ra bãi biển, bờ đá ngay. Thôi thì không có ốc nước ngọt thì mình xử tạm ốc bãi bùn ven biển vậy. Nhiều lần vớ phải mẻ có lẫn vài con chết, cứ gọi là “thơm lừng” cả nhà. Người sống chung không hảo ốc cua, bèn lên tiếng cấm cửa ngay. Nỡ lòng nào ngăn sông cấm ốc thế cơ chứ. Lại đành loay hoay bưng bếp từ đơn ra ngoài ban-công, lắm lúc quẹt mũi vì giá lạnh mùa đông châu Âu để luộc xong nồi ốc. Bưng vào nhà ngào ngạt thơm lừng những sả, những lá chanh. Lại nhể ốc nhoay nhoáy và thun thút. Nhưng vẫn không có vị của vỉa hè, của bàn ghế lao xao, của xe máy pim pim và thậm chí cả mùi cống Hà Nội. Chưa kể hồi bé về quê ngoại những dịp hè, ra cầu ao chỉ cần khùa tay xuống dưới là nhặt được cả mớ đủ một nồi rồi.
Những người đàn ông trong gia đình tôi không mấy ai hảo ốc. Em trai tôi mặc dù đưa đi ăn ốc luộc vỉa hè, nhưng chỉ ngồi cạnh và hỉ mũi nhìn tôi khoái trá khêu ốc, bảo, ăn con gì không ăn lại ăn cái con đi bằng mồm! Ừ, đúng nhỉ, ăn mồm ốc và ruột ốc, toàn những thứ lẩm cẩm không đâu vào đâu. Vậy mà không có ốc để khêu, lòng lại cồn cào nhớ.
Giờ nhiều siêu thị ở Pháp, Ý đã bán ốc nhỏ vừa bằng con ốc đá nhà mình, ăn vị cũng na ná thế, thậm chí ngọt thịt hơn. Nhưng độ đạm chắc là cao hơn rất nhiều, nếu ăn quá 1kg một lúc có cảm giác chênh vênh say say vì … đạm. Một số xe giao hàng của người Việt ở Đức cũng bán những bịch lưới 1kg, 2kg loại ốc nhỏ này mà họ gọi tên thương mại là “ốc khêu”. Đúng là phải khêu thật. Gai lá bưởi chả bói đâu ra xứ này, lấy kim khâu len chẳng hạn, ăn xong lau ngay, mai lại khâu nhoay nhoáy. Nhưng đôi khi phê vì ốc nóng, vì nước chấm ngon quá, vì rượu trắng mà lại nhét luôn cái kim cho lẫn cùng vỏ ốc. Hộp kim cứ dần vơi sau những bữa ốc.
Có đôi lần lượn lờ đi chơi các mạn ven biển, mải mê “săn bắt” đến xao nhãng cả việc ngắm cảnh. Từ những hòn đảo của Ý, Hy Lạp, những bãi biển của Đức, của Hà Lan sang đến cả các vịnh ở Úc, tôi luôn bị say bởi những loài nhuyễn thể. Nhiều khi không kiếm được ốc thì nhặt tạm nào nhím biển, nào ốc to, nào hàu, thậm chí cả “thu hoạch” bạch tuộc phơi một nắng ké các ngư dân địa phương. Thôi đành vậy, không có ốc ta chén tạm con khác, trong lòng vẫn luôn nhớ nhung những đám ốc đến cồn cào.
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây