Cách làm ruốc sợi dài và mềm không cần giã hay chà
Cái tên “ruốc”, thì mình cứ đoán bừa, rằng vì nó giống con ruốc (tép biển) nên người ta đặt tên nó như vậy. Chứ cái tên “chà bông” thì mình chắc chắn nó có nghĩa là: “CÓ CHÀ THÌ MỚI CÓ BÔNG”, hoặc “MUỐN BÔNG THÌ CỐ MÀ CHÀ”, nhở! 😳😳😳
Thật ra, dù nội công thâm hậu, thì ai cũng sẽ oải với công việc vận động tại chỗ như vậy - và ngày nay, khi rổ rá không còn góc cạnh để mà chà, cộng thêm sự hỗ trợ của máy móc, thì tội gì mà phải khổ phải không 500 anh em?! :))))))
Do đó, hôm nay mình sẽ chia sẻ cách để chà bông có sợi dài và mềm dù ko phải giã hay chà. Cách làm này mình cũng học hỏi được từ một người chị, và thấy nó rất hiệu quả khi cho ra thành phẩm ưng ý.
Tuy nhiên, tính mình hơi cầu kỳ trong mỗi món ăn, nên nói rằng cách dưới đây mình chia sẻ dưới đây là nhanh thì cũng không phải, vì nó sẽ chỉ giảm thiểu công đoạn sau cùng - trong khi, muốn ruốc ngon, thì phải làm nhiều hơn thế!
Bài này mình chỉ chia sẻ về cách làm và một số lưu ý về nguyên liệu chính. Mỗi gia đình có khẩu vị riêng, nên mình không bàn luận nhiều về cách ướp các bạn nhé!
——-
CÁCH LÀM:
- Thịt mông nguyên tảng, rửa sạch pha miếng dày cỡ 1cm - DỌC THỚ.
+ Thịt mông, so với thịt thăn, có độ dai, ngọt và thơm hơn nhiều. Thịt thăn sau khi làm ruốc, hậu sẽ có vị chua nhẹ, sợi bở, dễ đứt gãy, vụn ruốc.
+ Thịt mông tuy ngon nhưng lại có nhiều gân. Cắt miếng nhỏ thịt sẽ bị nát, lẫn gân, thớ không dài. Do đó, mình mua tảng to về tự pha theo ý mình.
- Ướp thịt với gia vị theo khẩu vị riêng. Như mình thích ruốc truyền thống, nên ướp thịt với mắm và chút đường (do nhà mình không ăn mì chính).
- Đổ nước xâm xấp mặt thịt, bắc lên bếp đun đến khi thịt CHÍN TỚI.
+ Không đun thịt chín nhừ vì thịt sẽ ra hết nước, chỉ còn bã mất chất và mất độ ngọt.
+ Trong quá trình đun, hớt hết bọt bẩn, vì sẽ dùng nước đun để rim thịt.
+ Thử thịt bằng cách xé khi còn nóng. Nếu không xé được nghĩa là thịt chưa chín.
- Sau khi luộc, để thịt nguội bớt, xé thịt cỡ đầu đũa nhỏ, bóc gân sạch sẽ và bỏ lên bếp xao khô. Trước khi xao đổ phần nước luộc thịt vào xao cùng để thịt thấm nước ướp, thịt sẽ ngọt và đậm hơn.
- Xao thịt đến khi KHÔ 70-80% thì dừng. Đợi thịt NGUỘI HOÀN TOÀN thì tiến hành đánh ruốc.
+ Thịt nóng, kết cấu sẽ kém dai. Khi đánh nóng thịt sẽ bở vụn.
+ Khi xao, thịt tuy khô bên ngoài, nhưng bên trong vẫn còn độ ẩm. Tuỳ vào sở thích mà xao thịt khô hay ướt.
- Bỏ thịt đã xao vào máy nhồi bột nếu có máy nhồi bánh mì để đánh, hoặc âu sâu lòng nhỏ và hẹp nếu không có máy nhồi, sau đó dùng QUE XOẮN của máy đánh trứng (KHÔNG DÙNG PHỚI LỒNG) để đánh cho sợi thịt bung dài.
+ Khi dùng phới lồng (que đánh trứng), thịt sẽ cuốn vào que, làm đứt sợi khiến thịt bị vụn.
- Sau khi đánh xong, nếu muốn thịt khô hơn thì xao thêm một chút tuỳ khẩu vị.
———
BẢO QUẢN:
- Nếu muốn ruốc bảo quản được lâu, các bạn bọc ruốc thật kín, cất trong hộp và để ngăn đá tủ lạnh. Khi dùng rã đông trên ngăn mát, rồi bỏ ra nhiệt độ thường.
- Không để ruốc ở ngăn mát, vì ngăn mát sẽ hút độ ẩm trong thực phẩm, khiến ruốc trở nên khô bã hơn!
Thế thôi, hỉ :))
Chúc các bạn luyện công vui vẻ!
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây