#Thửtháchtết2022 #ĐóntếtbiếtđủHồi Tưởng Tết Xưa Qua Món Chè Kho Của Bà.

#ThửtháchTết2022 #ĐónTếtBiếtĐủ

Hồi tưởng Tết xưa qua món chè kho của bà.

Tôi đã bâng khuâng nhớ về miếng chè kho, chè con ong của bà khi cầm chiếc bánh nếp cổ truyền của người Nhật vào một ngày cuối năm mưa tuyết lạnh buốt khi tôi đến ngôi làng cổ ở điểm cuối cùng của tỉnh Aomori. Chiếc bánh do một bà cụ tự tay hái lá trên rừng, tự tay làm mọi công đoạn được du khách nâng niu đã khơi dậy những kí ức trong tôi về một thức quà đang dần dần bị quên lãng: Chè kho thảo quả. Chè kho không phải sơn hào hải vị cũng chẳng phải món khó kiếm tìm nhưng điều khiến người ta nhớ đến món ăn này là bởi mùi thơm của thảo quả như một nốt nhạc trầm cứ vang vọng mãi trong kí ức, dần dần đã bị thay thế bởi hương thơm từ những gia vị Tây Tàu phổ biến và thịnh hành ngày nay. Có những món ăn khiến người ta nhớ mãi không phải vì người làm ra món ấy tài ba, chỉ là vì tâm tình của người nấu gửi vào đó rất nhiều. Người ta muốn giữ lại nó cho qua hết một đời không phải vì món ăn ấy quá ngon mà vì kí ức về nó đã quá sâu đậm. Vậy nên có rất nhiều món ăn sau này vào tới nhà hàng, được nâng tầm thành đặc sản đắt đỏ, đặt tên mĩ miều, cao sang, hay ngay cả khi nó được bán phổ biến, thứ mà người ăn tìm kiếm chỉ là mùi vị của kí ức mà thôi.

Đối với nhiều gia đình Hà Nội, chè kho hay chè con ong từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trên ban thờ cúng gia tiên vào đêm giao thừa hay là thức quà để tiếp đãi khách đến chơi nhà đầu năm. Trong tiết trời se lạnh, lất phất mưa xuân, nhâm nhi miếng chè kho ngọt dịu, chè con ong cay nồng cùng chén chè sen ngào ngạt vừa giúp đẩy đưa câu chuyện, vừa ấm tình người đến. Không ai biết - ai là người đã làm ra những món chè đặc sắc với những cái tên thật “lạ lùng” như chè con ong, chè bà cốt, chè kho này nhưng có lẽ xuất phát từ thời tiết ẩm nồm miền Bắc cùng với sự đảm đang, tháo vát của phụ nữ Việt, những món chè được… “kho” lên với đường ấy giúp bảo quản được lâu hơn trong điều kiện thiếu thốn ngày đó. Tuy nhiên, ngoài mục đích để bảo quản, những thành phần trong các món chè này đều có tính nhiệt, giúp trị đầy bụng sau những bữa cỗ nhiều đạm ngày Tết. Chỉ là một món tráng miệng cho vui nhưng lại chứa đựng nhiều tâm tình của người nấu.

Để làm ra món chè kho và chè con ong đều mất rất nhiều công sức. Một thứ yêu cầu mềm mịn như bột mà khô ráo như bông, một thứ lại đòi hỏi dẻo quánh như mật nhưng tuyệt nhiên không được nát bấy. Những tưởng bún thang đã là món ăn cầu kì thì làm chè kho hay chè con ong vất vả, kì công hơn nhiều. Riêng công đoạn chọn mua đỗ, mua gạo cũng đã khiến các bà, các mẹ bỏ không ít công sức. Đỗ xanh, gạo nếp để gói bánh chưng có thể đại khái, nhưng làm chè kho, chè con ong thì không thể là thứ gạo, thứ đỗ mua bừa được. Nhất định phải là nếp cái hoa vàng, hạt nào hạt nấy mẩy căng, thơm phức và đỗ hạt tiêu lòng xanh nhạt, dẻo bùi từng hạt khi đồ lên. Tôi thường thấy mẹ ngồi cà đỗ trong một chiếc sàng to đặt ngoài sân, lăn qua lăn lại bằng vỏ chai thuỷ tinh cũ, những hạt đỗ vỡ ra nghe tí tách như mưa gõ vào mái hiên. Những hạt đỗ được sàng cho sạch vỏ rồi đem ngâm trong một chiếc thau đồng đã xỉn màu đến khi bà bóp thử thấy hạt đỗ vỡ ra thì mẹ mới đem đi đãi. Qua vài chậu nước, đám vỏ cứ thế trôi tuột đi. Tôi cứ tưởng đó là một trò chơi nào đó nên thích thú ngồi xem, nhưng khi nhìn đôi bàn tay mẹ bợt bạt trong làn nước lạnh, tôi lè lưỡi chạy mất. Đãi đỗ đồ xôi có thể còn sót lại vài cái vỏ đỗ xanh xanh còn tạm chấp nhận nhưng đỗ để làm chè kho thì tuyệt nhiên phải sạch sẽ đến từng hạt. Mẹ tôi nói vậy. Than hồng, bà bắc chiếc chảo gang của Liên Xô đít đã đen nhọ nồi lên, rắc muối rồi cho đỗ vào đảo liền tay, nghe mùi đỗ thơm toả lên trong cái lạnh bảng lảng mưa xuân khiến tôi thòm thèm… đợi vét nồi. Đoạn bà bắc chõ lên, nghe thấy tiếng lụp bụp của nước mới bắt đầu đổ đỗ vào đồ. Độ mươi phút, đỗ chín, bà đổ ra cái rá, vẩy qua vẩy lại cho chóng bay hơi. Còn tôi thì tranh thủ vét chõ, mấy hạt đỗ vét cuối bao giờ cũng thơm ngon đặc biệt. Mẹ tôi lấy cái cối đá cũ ra bắt đầu giã, chẳng mấy chốc những hạt đỗ tơi mịn như bột. Thế mà đã xong đâu, giã xong đám bột đỗ được nắm thành từng nắm tròn như quả cam, rồi mẹ lấy con dao con ra ngồi thái, y hệt như chơi đồ hàng. Mẹ cứ nắm đỗ lại rồi lại thái độ mươi lần, cuối cùng mẹ vê thử ít đỗ đặt lên tay, thổi phù một cái bột đỗ bay lả tả mới đứng dậy. Chao ôi, chỉ ngồi xem thôi đã thấy mệt. Trong bếp, bà đang lúi húi rang thảo quả để đun nước tò ho. Mùi sực nồng của thảo quả cùng nồi nước mùi già là thứ mùi thơm của Tết mà sau này khi đi xa, trên đường phố cuối năm, tôi tìm đâu cũng không thấy mùi hương ấy.

Bột đỗ đã tơi nhuyễn, mẹ bắt đầu rang vừng, đun nước đường. Nước đường nguội, mẹ đổ từ từ vào chảo đỗ, khuấy nhẹ nhàng như khuấy bột trẻ em. Xong đâu đấy bắc lên bếp và công đoạn cực nhất của nồi chè kho bắt đầu từ đây. Khuấy chè kho phải khuấy luôn tay, không ngơi nghỉ, vì chỉ cần dừng là đám đỗ sôi “lao nhao” bắn ra khỏi chảo hay đỗ sát chảo bị khê rất nhanh. Khuấy liền cả tiếng đồng hồ, đôi tay mỏi nhừ thì chè mới bắt đầu khô lại, sực lên mùi tò ho cay ấm. Chè kho không thể kho dối, vì dù có ráo mặt nhưng chẳng để được lâu. Bà đi ra ngó vào chảo chè, bấu một chút miết lên tay rồi gật đầu. Mẹ đơm chè vào mấy cái bát con, ấn thật chặt, đợi chè nguội, mẹ đổ ra đĩa, rắc vừng rang thơm lên, vậy mới coi như xong. Đĩa chè đầy đặn mang màu vàng như muồng hoàng yến, điểm xuyết vừng trắng, mặt hơi nứt ra, khô róc, thơm nức mùi thảo quả. Cùng với chè kho, trên ban thờ gia tiên của gia đình tôi còn có đĩa chè con ong. Những đĩa chè tròn vum thoang thoảng mùi thơm của nếp thể hiện rõ mong ước sung túc, đủ đầy trong năm mới. Hai thức quà tưởng như đơn giản ấy đã chiếm hết một ngày chuẩn bị của bà, của mẹ, nhưng có vậy mới ra vị Tết. Thiếu một trong hai, dường như Tết cũng nhạt đi rất nhiều.

Bây giờ, chè kho hay chè con ong không mấy gia đình còn làm, người ta thường mua sẵn ngoài chợ vào các dịp lễ Tết, cũng chỉ để cúng bái như một tục lệ xưa. Vì đám trẻ thời nay không còn mấy mặn mà với những thức quà cũ kĩ này nữa. Thời thế khác đi, vật chất đủ đầy, bánh kẹo Tây lên ngôi, chè kho lùi vào dĩ vãng như một bản nhạc cũ, thi thoảng ngân lên trong kí ức người xa để hồi tưởng những cái Tết xưa. Nhưng hồi tưởng để không phải tiếc nuối, ở nước Nhật xa xôi, tôi cũng đi ngâm gạo, đãi đỗ. Có những món ăn hơn cả sự thưởng thức…

#TếtSốngXanh #ƯơmMầmVuiMới #YêuBếp #EsheepKitchen

“Mọi hình ảnh và nội dung bài viết tham dự Thử Thách “Đón Tết Biết Đủ” đều thuộc bản quyền của nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family). Các đơn vị truyền thông muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.”