#Vuitếttraođi Cách Làm Bột Sắn Dây Khi Xuân SangMỗi Dịp Tết Đến Xuân Sang
CÁCH LÀM BỘT SẮN DÂY KHI XUÂN SANG
Mỗi dịp Tết đến Xuân sang, bên cạnh việc tất bật chuẩn bị cho tết, náo nức chờ đón Tết để đi chúc tết họ hàng, tụ tập sum họp đại gia đình thì mình luôn bồi hồi nhớ về những ngày Tết của thời những năm thập kỉ tám mươi của thế kỉ trước, thời bao cấp còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mình và mẹ hay ôn lại kỉ niệm thời xưa cũ như một bài ca không quên, và trong các câu chuyện đó, thể nào cũng có chuyện về những ngày làm bột sắn dây xuyên Tết của nhà mình.
Hồi đó, nhà mình ở nhà tập thể đầu hồi nên có 1 khoảng đất nhỏ còn trống, bố mẹ đã dựng lên 1 gian nhà nhỏ làm bếp và phía sau trồng vài loại rau ăn hằng ngày. Ngay cạnh bếp là 1 chuồng lợn và sau chuồng lợn bố mẹ trồng một bụi sắn dây. Mùa Tết đến Xuân sang cũng là mùa thu hoạch sắn dây. Trong trí nhớ của đứa trẻ tầm 10 tuổi có 3 đứa em lít nhít kế tiếp là mình bấy giờ, cảnh làm sắn dây của bố mẹ hồi đó rất là vất vả. Đầu tiên là đào đất để bới củ lên (gặp củ to còn phải nhờ hàng xóm trợ giúp nữa chứ), rồi rửa sạch củ trong cái giá lạnh của mùa đông mà chẳng có gang tay gang chân đâu nhé. Rồi cạo bỏ vỏ nâu bên ngoài, rồi mài củ thành bột mịn, rồi lọc bột, ngâm bột, thay nước lọc bột hằng ngày cho bột trắng dần ra, rồi đem bột đi phơi đến khi bột khô nỏ, từ tảng bột to nứt ra thành các miếng bột nhỏ mới được. Khi phơi bột sắn phải lưu í che chắn cẩn thận để không bị cát bụi bay vào và không bị các con côn trùng rơi vào làm bẩn hỏng bột. Bố mẹ ban ngày đi làm, tối về tranh thủ lọ mọ mài sắn bằng cái rá nhôm bỏ đi.
Có năm, đêm 30 Tết, bố mẹ vừa trông nồi bánh chưng cho cả xóm vừa tranh thủ làm bột sắn. Mình còn nhớ cảnh mình giúp bố mẹ cho 3 đứa em ăn uống, đi ngủ trước, sáng hôm sau mò xuống bếp để nhận phần bánh chưng bé giành riêng cho trẻ con thì thấy cảnh la liệt xoong nồi, chậu ngâm bột sắn và có củ sắn còn đang mài dở chưa xong, chắc bố mẹ mệt quá để lại. Nghĩ lại mà thương ứa nước mắt…
Rồi tụi trẻ con mình cũng lớn dần, may sau này bác ruột ở quê nhận làm hộ bột sắn dây rồi gửi lên cho nhà mình nên bố mẹ cũng đỡ vất vả hơn, không còn cảnh bận túi bụi làm bột sắn khi Tết đến Xuân sang nữa.
Năm vừa rồi, bác bị đau tay đúng lúc đang làm bột sắn, bác gọi điện lên báo tình hình, mẹ chồng mình cũng đã từng làm bột sắn dây nảy ra ý định mẹ chồng và con dâu cùng làm bột sắn, nốt các khâu còn lại thay bác. Mình đã ngay lập tức gật đầu đồng ý vì nhớ về những kỉ niệm xưa.
Thế rồi nhân tiện có xe ô tô từ quê lên HN, bác đã gửi hàng cho mẹ con mình. Nhận hàng mà mẹ chồng và con dâu cứ ngẩn ra nhìn : gần tạ (100kg) sắn dây đã được bác cạo vỏ sạch sẽ, nghiền thành bột (giờ đã có máy nghiền củ thành bột, không phải kì cạch mài thủ công như ngày xưa), đóng vào các túi to tướng. Hỏi bác sao nhiều thế thì bác bảo: 10kg củ chỉ thu được từ 1,5 đến 1,8 kg bột thôi. 2 mẹ con chỉ biết nhìn nhau cười rồi động viên nhau cùng làm. Sau khoảng 5h làm việc với đôi tay mỏi nhừ thì 2 mẹ con cũng đã xong công đoạn vắt, lọc lấy tinh bột, phần phơi bột cho khô thì hàng ngày mẹ chồng ở nhà phụ trách. Đúng là "của một đồng, công một nén".
Cách làm chi tiết mình viết trong các hình.
Ghi chú:
Bột sắn dây thực chất là tinh bột được chiết xuất từ củ sắn dây, trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch, xay nhuyễn, lọc lấy linh bột và phơi khô mà thành. Ai thích thì có thể ướp bột với hoa bưởi để bột có mùi thơm hơn.
Theo Đông y, bột sắn dây có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, giải rượu, chữa cảm sốt, nhiệt miệng, đau nhức đầu, mụn nhọt,... Bột sắn dây được khá nhiều người ưa chuộng bởi công dụng giải khát, đặc biệt là trong mùa hè nắng nóng. Bột sắn dây còn thay bột năng tạo độ sệt trong các món xào, món súp, ...
Chúc mọi người đón năm mới Quỹ Mão luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và bình an, muôn sự may mắn!
#YêuBếp
#ĐónTrảiNghiệmMới
#TếtSẻChia
Mọi hình ảnh và nội dung bài tham dự Thử Thách “Vui Tết Trao-Đi” đều thuộc bản quyền của nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family). Các đơn vị truyền thông/ báo chí muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.
Bạn cần đăng nhập để thực hiện bình luận.
Nếu chưa có tài khoản đăng ký tại đây