Chuyện của măng!Vào mấy độ giáp tết hồi xưa, thấy mẹ đi chợ bà ngoại sẽ nhắc thấy

Chuyện của măng!

Vào mấy độ giáp tết hồi xưa, thấy mẹ đi chợ bà ngoại sẽ nhắc thấy măng khô ngon thì mua dần đi nhé. Rồi một tuần trước tết thấy bà giở gói măng khô ra ngâm nước gạo, thay mỗi ngày. Nước gạo bỏ vào trắng đục ngâm măng qua đêm thành màu nâu bóng. Miếng măng bé tý cứ lớn dần thành miếng măng lưỡi lợn béo múp. Vì sao gọi là lưỡi lợn chắc vì do texture sần sật như ăn miếng lưỡi luộc vừa khéo. Từ 28 thấy bà vớt măng rửa sạch luộc mỗi ngày một lần xong lại ngâm nước sạch. Chiều 30 sẽ tỷ mẩn ngồi cắt thành từng miếng quân cờ, miếng măng lúc này đã về lại nguyên bản lúc chưa khô, chỉ lấy đoạn non chỗ nào bấm tay vào được. Chằn chặn từng miếng màu nâu vàng nhìn là muốn bốc. Nhưng chuyện không dừng ở đó, bà bảo măng muốn ăn cho ngon phải phi hành tím mỡ heo cho thơm nức, rồi đảo đều. Rồi cái nước luộc gà óng mỡ trên mặt, hớt hết váng mỡ đó bỏ vào chảo măng xào nêm mắm muối cho vừa miệng. Cứ múc từng muỗng một bỏ vào xào cho săn lại chiêu thêm. Măng ăn mỡ hút hết cái ngọt béo của mỡ gà biến hình thành thứ ăn một miếng hết cả nồi. Lần sau cùng sẽ đổ hết nồi nước luộc gà chiều ba mươi rồi để đó. Một nồi măng đã sẵn sàng cho các món: miến măng, măng chân giò. Làm món gì thì múc riêng ra chế biến. Mỗi ngày lại đun sôi để bảo quản giữ lâu.

Sau này bà mất món măng cũng hiếm dần. Vì lười, vì không ai tỷ mẩn như bà. Ăn trong ký ức kỳ lạ, nó phản đối những nồi măng nấu vội miếng măng nhạt thếch không đủ độ ngấm cái béo của nước dùng. Mùi ký ức của nồi măng ngày xưa là cái gõ vào tay của bà khi háu ăn đòi thử trước giờ cúng giao thừa, cái mùi cối trầu giã cho bà lúc ngồi canh bếp lửa. Mùi của ký ức là những thứ nhỏ xíu trong bếp ngấm vào mình rồi học làm theo lúc nào không rõ.

Miếng măng hôm nay cũng không phải là măng của bà ngày xưa. Nhưng khi đứng xào măng, mùi hành phi, mùi mỡ, mắt mờ đi rớt vào căn bếp củi hồi bé, khói bếp, tàn tro... #mùikýức

Chuyện của măng!Vào mấy độ giáp tết hồi xưa, thấy mẹ đi chợ bà ngoại sẽ nhắc thấy