#Thửtháchtết2022 #Đóntếtbiếtđủ Thấy Bánh Chưng, Là Thấy Tết!H

#ThửTháchTết2022
#ĐÓNTẾTBIẾTĐỦ

Thấy bánh chưng, là thấy Tết!
HƯỚNG DẪN CÁCH GÓI BÁNH CHƯNG BẰNG TAY TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN BÊN NỒI BÁNH CHƯNG.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các ngành dịch vụ ăn uống tiện lợi và nhanh chóng. Việc bỏ ra vài chục ngàn đồng để có một chiếc bánh chưng bày Tết đã trở nên quá ư là dễ dàng.
Hôm nay, em muốn chia sẻ và lan toả rộng rãi đến tất cả mọi người cách gói bánh chưng vuông bằng tay truyền thống, cao thành, vuông vắn, gần như đang dần bị mai một.

Yêu bếp không chỉ bởi những món ăn ngon, lạ và trang trí đẹp mắt. Yêu bếp là yêu và giữ gìn cả những nét đẹp văn hoá ẩm thực có từ lâu đời.

Bao nhiêu năm rời xa quê hương là gần như bấy nhiêu năm cất Tết lại vào trong miền ký ức. Chiều nay nắng ấm ùa về, lọ hoa của gia đình nhỏ cũng có thêm một cành đào để khơi dậy lại cái vị Tết quê xưa. Tất niên, nhà nhà lo dọn dẹp, lau chùi để chuẩn bị đón Tết. Người người lại lo đi chợ để cần mua gì thì sắm nốt cho đủ những ngày cuối năm.
Bếp nhà em trong những ngày bộn bề lo sắm Tết ấy, không thể nào thiếu được sự hiện diện của nồi bánh chưng. Bánh chưng có lẽ là món ăn quen thuộc và lâu đời nhất gợi nhớ đến Tết của bất kỳ người con Việt Nam nào, dù ở bất cứ đâu.
Nồi bánh chưng Tết của nhà em mỗi năm, mẹ thường chuẩn bị thêm một miếng thịt ba chỉ, rồi ướp cùng với củ hành tím băm, chút đường và dầu hào, nước mắm và tiêu thơm. Kê cái phên thịt lên hai viên gạch đặt ở trước bếp rồi bời than hồng ra nướng. Âm thanh của tiếng bì nổ giòn tí tách, lâu lâu những giọt mỡ bị sức nóng của than củi làm nó tan chảy, rơi xuống than hồng tạo ra thứ tiếng tóp tóp. Nghĩ tới chén cơm nóng nữa là chỉ muốn chạy vào dọn mâm ngay thôi.
Từng sợi khói nhỏ bay lên mang theo cái vị thịt nướng than bếp ngai ngái sẽ không thể lẫn đi đâu được và chắc chắn rằng nó sẽ gây thương nhớ đối với bất kỳ ai đã từng được nếm qua. Còn tụi trẻ con sẽ có thêm món ngô nếp nướng nổ tí tách, cắm vào một chiếc đũa để cầm cho đỡ nóng. Hay món khoai lang lùi tro mềm tươm đầy những mật, chảy ra quánh quánh, thơm lừng.
Ôi! Chỉ nghĩ đến những điều nhỏ bé đó thôi, là nước miếng như chỉ chở trực để trào ra ấy.
“Con ước rằng mình có thể phi ngay về nhà để ăn một bữa cơm rau với mẹ!”

Ngày còn ở quê, mỗi năm hễ cứ đến gần những ngày Tết, điều mà em mong chờ nhất có lẽ là mẹ được nhờ đi gói bánh chưng. Mẹ là một người phụ nữ nhẹ nhàng và điềm đạm. Hình như ai cũng là người có giọng nói chan hoà khi nói chuyện với mẹ. Cả cái cách gói bánh chưng vuông bằng tay theo kiểu truyền thống của mẹ cũng rất ư là được ưa chuộng. Hễ cứ gần đến Tết thì việc mẹ hay được gọi nhờ đi gói một hai cặp bánh vuông để bày lên mâm Tết ở quanh xóm, đã là những điều quá đỗi thân thuộc. Em thì “chỉ vướng chân” chứ không phụ được cái việc gì cả. Nhưng cứ muốn ngồi cạnh xem mẹ gói, đòi theo mẹ đi chợ sắm đồ để còn lanh chanh thôi.

“Trong nhà có mấy chị em gái, mà không ai gói được cái thứ bánh này. Ông ngoại chỉ dạy cho mỗi mình cô con gái út.” Lâu lâu có bác chị gái của mẹ em lại nói vui như vậy. Nếu có ai đó đòi trả công, mẹ tuyệt nhiên không bao giờ nhận lấy.

Vì mẹ có những ngày bận rộn như thế nên sau này khi đã biết gói bánh, sẽ có những lần em bị đẩy đi thay. Khi thì giúp họ hàng, lối xóm để được gặp chị, gặp em. Khi thì theo mẹ lên chùa gói bánh.

Kể từ khi có một gia đình nhỏ bé của mình ở đây, em bắt đầu tự gói bánh chưng Tết. Năm ngoái, sau khi gói bánh xong buổi sáng thì buổi chiều tối hôm đó, em trở dạ và bắt đầu bị cuốn vào guồng quay của những tháng ngày bỉm sữa. Sau đó, gần như nguyên một nồi bánh chưng khoảng 4kg gạo “gói cho vui” ấy bị ngủ im lìm trong tủ đá suốt hơn 5 tháng trời.

Không biết từ khi nào mà tình yêu với chiếc bánh chưng đã trở nên hiện hữu. Càng đi xa, nỗi khát khao trở về nhà lại càng thêm da diết mỗi khi Tết đến, Xuân về. Gửi nỗi nhớ quê hương vào từng chiếc bánh Chưng Tết, để tìm lại cái không khí Tết thân thuộc bên bếp bánh ùng ục sôi. Để mong chờ chiếc bánh đầu tiên được bóc ra thơm bùi lá dong tươi, thịt, tiêu và đỗ. Bánh mang một lớp áo màu xanh ngọc non đã được lá dong nhuộm lên, như chồi non đã được mùa xuân nhuộm màu tươi mới.
Tết trong ký ức em là ùng ục những tiếng sôi của nồi luộc bánh chưng, phả ra cái hơi nóng nồng nồng của lá dong và nếp mới. Cái tiết trời lành lạnh để người với người trong gia đình lại muốn quây quần ngồi lại, luộc bánh cùng nhau bên bếp củi rừng rực những than hồng. Để ai đi xa cũng mong được trở về nhà mà hít hà cái hơi bếp. Để người trong gia đình được cùng nhau ôn lại những câu chuyện về một năm đã qua đi, cùng nhau trao những nguyện ước về một Năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Để ánh lửa bập bùng thổi căng hồng thêm đôi má ai…

Hồi đó, khi chia sẻ hình ảnh về những chiếc bánh chưng gói bằng tay với bạn bè trong nhóm bếp, thật vui là em cũng có nhận được sự quan tâm của rất nhiều các chị em. Một vài chị có góp ý cho em rằng nên làm một video hướng dẫn cách gói bánh.
Em rất vui và cảm thấy đây là một vinh dự của mình. Và thế là… Em đã tập làm thử video rồi đây các bác, anh chị ơi!

(Em sẽ để link video ở trong ảnh hướng dẫn gói bánh các bác nha)

Qua đây, em hy vọng rằng có thể mang lại một chút #YêuBếp tích cực, xuất phát từ Tình yêu với chiếc bánh chưng, nâng niu bằng cách gói tay Truyền thống.

Có một nơi giữ lửa gọi là bếp
Có một cái Tết để được trở về nhà.

Em mời các bác cùng gói bánh chưng với em qua từng bức ảnh.

#Ươmmầmvuimới
#TếtSốngXanh

Mọi hình ảnh và nội dung bài viết tham dự Thử Thách “Đón Tết Biết Đủ” đều thuộc bản quyền của nhóm YÊU BẾP✅ (Esheep Kitchen family). Các đơn vị truyền thông muốn chia sẻ thông tin vui lòng liên hệ fanpage Admin Yêu Bếp để được hướng dẫn.